Đúng vậy - tôi đã nhảy từ một thế giới chết sang một thế giới sống. -
Cuốn lịch sử mà tôi đang đọc ngấu nghiến, không phải là lịch sử thần thánh,
vua chúa, - đây là lịch sử của Pie và của Jăng, của Matuyrin và Flôrimông,
lịch sử của nước tôi, lịch sử của làng tôi; có nước mắt của người nghèo,
máu của người nổi loạn, nỗi khổ của họ hàng thân thích tôi trong các tập
biên niên sử đó, viết bằng một thứ mực còn chưa khô hẳn.
Tôi say sưa lợi dụng sự tự do mà mẹ tôi để cho tôi! Ngày nào tôi cũng tới
phố Jacôp để thả lòng vào những quyển sách ở đấy, hoặc để nghe ông nhà
báo nói về lá cờ cộng hòa đã phất trên các mặt cầu, và được các binh đoàn
bảo vệ với tiếng thét: “Tổ quốc muôn năm! - Đả đảo các vua chúa!- Tự do
hay là chết”
Được tự do? Tôi không biết nó là thế nào, nhưng tôi biết thế nào là làm
nạn nhân, tôi biết, mặc dù tôi còn non trẻ.
Một đôi khi cùng với Matútxanh chúng tôi tưởng tượng là chúng tôi đang
chiến đấu, và mỗi đứa mơ mộng theo kiểu của mình.
Anh ta thì muốn đội mũ của Xanh-Juxt khi ở quân đội, đeo ngù vai vàng
và thắt lưng tam tài to bản.
Tôi thì tôi mơ thấy tôi đóng thượng sĩ, tôi nói: Tiến lên! Hỡi anh em! Mọi
người đều cùng quê với nhau, cùng quây quần xung quanh một ngọn lửa
trại đóng quân, và trò chuyện về vùng Loa-thượng.
Tôi mơ ngù vai bằng len, giải đeo gươm bằng dây nhỏ.
Tôi muốn ở trung đoàn vùng Môden. Với dân cày và thợ thuyền. Chú
Jôdép sẽ là đại úy và chú Sađơna, trung úy.
Chúng tôi sẽ về làm nghề thợ mộc, hoặc gặt lúa “sau ngày thắng lợi”.
PHỐ CỐC-HÊRÔNG
Một tối ông nhà báo dẫn chúng tôi tới nhà in, ở trong tầng dưới tối om,
nơi người ta in báo; ông là bạn thân của một người thợ.
Máy in quay tròn, ngốn những tờ giấy vào và nhả những tờ giấy ra, dây
cua-roa kêu vo vo. Có mùi nhựa thông và mùi mực ướt.
Ngửi cũng thấy thú như mùi phân ủ. Cũng thấy ấm như trong chuồng bò.
Những người thợ vận sơ-mi trần, đội mũ gấp bằng giấy. Có những hiệu lệnh