và bị ngăn xẻ bởi những khe rãnh không lớn lắm do bị xâm thực. Không có
một khu rừng nào, chỉ có vài đám liễu thấp lè tè và những bãi cỏ rậm rì lác
đác, trên vài mô đất có những thân cỏ vùng Xibir hoang vắng. Nhờ mùa hè
đã đến, Maljarius dễ dàng phát hiện trong đám thực vật cằn cỗi ấy có
những loài thảo mộc rất phổ biến ở Na Uy, mà cụ thể là nham lê (tên khoa
học: Oxycoccus palustris), bồ công anh (tên khoa học: Taraxacum).
Phần lớn đất ở khu trại tàu “Vêga” là kho lương thực, thực phẩm được xây
dựng theo lệnh của Norđenshelđ để phòng khi tàu bi sức ép đột ngột của
băng phá hủy, như vẫn thường xảy ra đối với tàu trú đông những nơi nguy
hiểm thế này. Thật là một chi tiết cảm động! Các thổ dân trên vùng bờ biển
Xibir luôn luôn nghèo đói: đối với họ kho lương thực này quí giá vô ngần,
vậy mà họ không hề nghĩ đến việc xâm phạm nó mặc dầu, hầu như nó
không được bảo vệ gì. Những túp liều độc đáo làm bằng da thú, trong đó có
người Chukchi sinh sống, cứ tiến gần về phía trại. Trong trại, công trình nổi
bật nhất là một căn nhà bằng băng được xây dựng để đặt trạm khí tượng.
Tất cả các thiết bị máy móc đem từ tàu "Vêga" lên đều đặt ở đây. Căn nhà
được đắp bằng những phiến băng màu xanh dịu, cất thành hình hộp và gắn
lại với nhau bằng tuyết thay vì bằng xi măng. Mái bằng ván được phủ bạt.
Các nhà du hành của tàu "Aljaska" được một bác học trẻ lúc ấy đang có
mặt trong căn nhà băng cùng người canh gác đón gặp với tình cảm thân
thiết nhất. Nhà bác học, người cộng sự của Norđenshelđ đã hết sức vui lòng
đề nghị được dẫn các vị khách lên tàu "Vêga", đi theo một lối nhỏ nối liền
tàu với bờ biển. Dọc lối đi có hàng cọc được đóng để căng một sợi dây giúp
cho việc định hướng lúc ban đêm. Trên đường đến tàu "Vêga", nhà bác học
đã kể cho các đồng bào của mình nghe về tất cả những chuyện phiêu lưu,
rắc rối của đoàn thám hiểm Norđenshelđ từ giờ phút nó mất liên lạc với thế
giới bên ngoài.
Từ cửa sông Lêna, Norđenshelđ đã đi về phía các đảo Nôvôxibir với ý đồ
nghiên cứu các đảo này. Nhưng, sau khi biết chắc không thể cho tàu đậu