- Làm sao mà biết được chuyện ấy, một khi tôi nhặt được cháu ở trên biển?-
bác Hecsêbom trả lời.
- Vâng, nhưng chính các bạn đã nói rằng chiếc nôi được buộc vào một cái
phao cứu hộ phải không? Mà theo tập quán đi biển thì trên phao bao giờ
cũng đề tên của chiếc tàu sở hữu nó. - Bác sĩ vấn lại, nhìn chăm chăm vào
đôi mắt người đánh cá.
- Đương nhiên là như vậy - người đánh cá đáp, đầu cúi xuống.
- Vậy thế tên tàu đề trên chiếc phao cứu hộ ấy là gì?
- Chà! Thưa ngài, tôi đâu có phải là bác học? Tôi chỉ biết đọc võ vẽ trong
cuốn vần quốc ngữ của tôi thôi, chứ các thứ tiếng lạ thì xin ngài miễn thứ
cho. Vả lại chuyện ấy đã lâu quá rồi.
- Dẫu sao, bác cần nhớ lại ang áng thôi cũng được. Bởi vì, dĩ nhiên là bác
đã đưa cái phao này cũng như tất cả những thứ khác cho ngài Maljarius
xem rồi chứ? Thôi nào, bác nhớ lại đi! Có phải trên cái phao ấy viết chữ
“Cintia” không?
- Tôi cảm thấy trên phao viết chữ gì đó từa tựa như thế. - người đánh cá trả
lời quanh co.
- Đó là một tên nước ngoài. Nhưng theo bác thì đó là nước nào, hả bác
Hecsêbom?
- Làm sao mà tôi biết được? Và tôi đâu biết được tất cả những nước quỷ
thần ấy. Bởi vì tôi chưa bao giờ ra khỏi địa phận Berghen và Nôrôê cả, nếu
không kể một hoặc hai lần tôi đã đánh cá ở gần bờ biển Aixlen và Grơnlan.
- Ông đáp bằng một giọng không vừa ý lắm.
- Tôi cho rằng đây là một cái tên Anh hoặc Đức - bác sĩ nói, làm như cố
tình không để ý đến giọng nói của người đang nói chuyện với mình. - Nếu
được trông thấy cái phao, tôi có thể căn cứ vào hình dáng của chữ và xác
định được điều đó dễ dàng. Ông có còn giữ được nó không ?
- Không, quỷ thật, nó đã bị đốt từ hồi tám hoành nào mất rồi! bác
Hecsêbom kêu lên.
- Maljarius nhớ được rằng các chữ ấy là chữ La tinh, bác sĩ nói. Và cả trên
quần áo cũng là chữ La tinh; nghĩa là có thể cho rằng "Cintia" không phải
là một tàu Đức (Hồi thế kỷ thứ XIX - ở Đức dùng phổ biến chữ Gôtich).