của cô trong nhà bị lung lay, lúc thì cô bực tức vì bác sĩ hay cười chế diễu
những điệu bộ õng ẹo “công chúa hay hờn dỗi" của cô ngay trước mặt Êrik,
mặc dù chẳng có hại gì. Bằng cách này hay cách khác, cô ta luôn cố tìm
cách làm cho Êrik cảm thấy sự khinh miệt lạnh nhạt của mình mà ngay cả
thái độ rất mực lịch sự của chú cũng không thể chịu được. May mà Kaisa
không phải lúc nào cũng có dịp để tỏ thái độ coi thường đối với Êrik, vì lúc
thì chú đi vắng, lúc thì chú ngồi học trong phòng mình.
Cuộc sống của chú trôi đi khá phẳng lặng, chẳng bị biến cố gì đặc biệt ngăn
trở cả. Vậy nên tiện thể chúng ta lướt qua luôn hai năm và cùng với Êrik trở
lại vùng Nôrôê.
Từ sau khi Êrik ra đi, ở nhà mọi người đã hai lần ăn mừng lễ Nôen. Ở
Trung Âu và Bắc Âu, lễ Nôen được coi là lễ lớn nhất trong năm, hơn nữa,
ngày lễ lại trùng với "mùa nghỉ việc" hầu như trong tất cả các nghề thủ
công. Ở Na Uy ngày lễ này kéo dài tới mười ba ngày - tretten julen dage -
và người ta đã dùng những ngày ấy để tổ chức tất cả những trò vui giải trí.
Nôen còn là mùa của những lễ mừng trong các gia đình, của những bữa
cơm khách và lễ đính hôn.
Thậm chí các nhà ít dư dật nhất vào mùa này cũng chuẩn bị đủ các món ăn,
trong những ngày lễ người ta đặc biệt coi trọng các phép tắc đón khách
nồng hậu. "Jule of” - bia Nôen - được uống thả cửa. Mỗi vị khách được mời
một cốc vại đầy để trong chiếc khay bằng vàng, bạc hoặc đồng mà các gia
đình dù nghèo nhất đi nữa cũng còn lưu giữ được theo lối cha truyền con
nối từ đời xửa đời xưa. Khách đứng uống cạn cốc bia một cách khoan
khoái, và trao đổi với chủ nhà những lời chúc mừng năm mới tốt lành và
làm ăn may mắn. Vào dịp Nôen, những người đầy tớ, coi như một món
thưởng thêm vào tiền công của họ, thậm chí trong những ngày Nôen, bò,
cừu, chim chóc cũng được hưởng khẩu phần tăng gấp đôi và các món khao
ngoại lệ nữa.