Trong mười ba ngày lễ hội thì ngày vui nhất là đêm hôm trước Nôen. Theo
phong tục, nam nữ thanh niên đi giày trượt tuyết gọi là "Schnec-shuhe" vào
trong làng, dừng lại bên các nhà và đồng thanh hát những bài hát dân tộc cổ
xưa. Những giọng hát trong trẻo của họ bất chợt vang lên trong màn đêm
băng giá, giữa cảnh tĩnh mịch của đồng quê phủ đầy tuyết gây nên một ấn
lượng lạ lùng và mê ly. Lập tức cánh cửa mở ra và những người hát trẻ
được mời vào nhà. Họ được thết đãi các loại bánh, táo sấy khô, đôi khi còn
được nhảy múa nữa. Sau bữa tiệc đạm bạc, cả toán người vui vẻ nhanh
chóng biến đi và lại xuất hiện ở nơi khác chẳng khác nào bầy chim di cư.
Khi trượt tuyết bằng những thanh dài hai hoặc ba mét mà có dây da buộc
vào chân thì đường xa họ cũng chẳng ngại. Những người nông dân Na Uy
dùng gậy đẩy tuyết rất nhanh và họ cứ trượt như vậy hàng chục ki - lô - mét
với tốc độ lạ kỳ.
Ở nhà bác Hecsêbom năm ấy đặc biệt tưng bừng. Mọi người chờ đợi Êrik.
Từ Xtôckhôm, chú đã viết thư báo tin chú sẽ về đúng đêm Nôen. Thật là dễ
hiểu vì sao cả Ôttô lẫn Vanđa đều đứng ngồi không yên. Cứ chốc chốc
chúng lại chạy ra cửa xem vị khách bấy lâu mong ngóng đã về chưa. Bà
Katrina cứ trách chúng nôn nóng, nhưng chính bà cũng thắc thỏm. Duy có
bác Hecsêbom là vẫn lặng lẽ hút tẩu thuốc của mình, dường như bác chịu
ảnh hưởng của cả hai thứ tình cảm trái ngược nhau: Vui mừng sắp gặp
thằng con nuôi và buồn bã vì rồi cũng phải xa nó.
Sau khi ra ngóng (có đến lần thứ một trăm), bỗng Ôttô chạy về reo lên
mừng rỡ:
- Mẹ ơi, Vanđa ơi! Hình như Êrik về kìa!
Mọi người lao ra ngoài cửa. Đằng xa, trên đường đi Berghen, thấy có một
chấm đen rất rõ. Cái chấm ấy cứ to dần lên và chẳng mấy chốc đã biến
thành hình người. Người ấy cứ thoăn thoắt trượt tuyết lại gần. Kìa, đã có
thể trông rõ cái áo măng tô bằng nỉ, cái mũ lông và cái ba lô da bóng lộn
khoác sau vai. Chẳng còn mảy may nghi ngờ gì nữa: Khách bộ hành đã