— Không phải bỗng dưng thầy đặt ra cho các em câu hỏi này. Mặc dù chỉ
mới nghe hai em phát biểu, thầy cũng tin rằng nhiều em khác cũng sẽ trả lời
vậy. Vấn đề là ở chỗ con người thường không nhận ra họ “suy nghĩ” như thế
nào. Đây là một việc khá phức tạp. Hiểu biết có nghĩa là có một hình dung
về những vật thể, hiện tượng và các quan hệ của hiện tượng, vật thể ấy. Suy
nghĩ là biết tác động đến những cái đó. Việc tách ra ý chính, nội dung chủ
yếu của một bài học, một buổi thảo luận hay một quy luật nào đó đòi hỏi ở
các em một thói quen nhất định, một sự làm việc căng thẳng. Còn đối với
chúng tôi là những giáo viên thì đòi hỏi phải biết cách giải thích, củng cố trí
nhớ cho các em. Chúng ta sẽ còn bàn về vấn đề này, khi nào chuyển sang
nghiên cứu máy móc... - Thầy giáo Ta-ra-ta dừng lại, suy nghĩ: “Đã đến lúc
cần phải nghe ý kiến của bạn trẻ”. - Ông nói: - Bây giờ chúng ta hãy tưởng
tượng một chút. Nhà thơ làm thơ như thế nào nhỉ? Nhà soạn nhạc sáng tác
nhạc như thế nào? Nhà bác học phát minh ra sao? Tóm lại, những hình
tượng mới, những quá trình sáng tạo được sinh ra như thế nào?
Một rừng tay giơ lên. Thầy giáo Ta-ra-ta lắc đầu nói thêm:
— Xin nói trước cho các em biết rằng đây là một vấn đề phức tạp mà
khoa học vẫn chưa có được một giải đáp hoàn chỉnh đâu. Vì vậy các em
đừng ngại: bất kỳ một ý kiến nào của các em cũng là một sự đóng góp cho
cuộc thảo luận này. Nào, xin mời.
Lớp trưởng Cô-li-a Grê-bê-scốp bao giờ cũng nói ngắn gọn, rành rọt:
— Em nghĩ rằng hình tượng được sinh ra một cách ngẫu nhiên. Ví dụ:
họa sĩ Xu-ri-cốp trông thấy con quạ đen đậu trên nền tuyết trắng, nên đã vẽ
nên bức tranh nữ bá tước Mô-rô-đô-va...
— Phát minh khoa học thường là bất ngờ, - Vô-va Cô-rôn-cốp có biệt
hiệu là Giáo sư nói: - cần phải tránh những quan niệm thông thường mà nhìn
vào các hiện tượng một cách mới mẻ. Bởi vậy người ta mới nói rằng phát
minh nằm trong tay ta.
Hãy nhìn cho kỹ và sẽ thấy.