“Thế nào là mũi nhân tạo?”, “Có thể tạo ra được viễn kính mùi vị để ngửi
các hành tinh khác được không?”.
— Tôi không đọc tất cả, - Nhe-mơ-nô-nốp tiếp tục. - Chỉ xin lưu ý các em
rằng, trong những câu hỏi này có nhiều câu hỏi về ngành Điều khiển học. Và
tuy rằng ngồi ở đây là những nhà vật lý, hóa học, kỹ sư, bác sĩ, các nhà sư
phạm, các nhà sinh vật học tương lai, nhưng tôi vẫn xin kể lại cho các em
nghe câu chuyện về cái từ điều khiển học. Trong tiếng Hy Lạp, người ta gọi
là Xi-béc-nê-tích và chữ Xi-béc-nốt đã được nhà triết học cổ đại Pla-tông sử
dụng. Từ đó có nghĩa là “người lái”, “người điều khiển”, “người lái tàu”.
Tôi cho rằng đây là một hình tượng rất đạt không chỉ liên quan đến các nhà
điều khiển học, mà còn đến tất cả các em.
Các em hãy tưởng tượng xem một con tàu lớn đang đi xa. Hàng nghìn con
người lắp ráp và chuẩn bị cho con tàu đó. Một loạt súng tiễn đưa và con tàu
đi vào đại dương. Phía trước nó là hàng ngàn dặm đường gian nan, những
miền đất mới chưa được phát hiện và những bí mật của thiên nhiên... Kết
quả chuyến đi của con tàu phụ thuộc vào toàn hạm tàu: từ anh thủy thủ đến
người thuyền trưởng. Sẽ phải đổi hướng lái, sẽ có gió bão và nhất định sẽ có
tiếng kêu sung sướng của người trông thấy đất liền đầu tiên: Đất liền!... Tôi
hình dung con tàu đó là khoa học hiện đại của chúng ra. Và các em là những
người lái con tàu đó. Bởi vì những câu hỏi, những đồ án và những giả thiết
mà chúng ta thảo luận hôm nay sẽ là di sản mà các nhà bác học để lại cho
các em, những người kế tục của chúng tôi. Các em hãy bơi đi xa hơn nữa!
Trong khi viện sĩ bông đùa né tránh những tràng vỗ tay thì đèn ở trên bục
hội trường sáng lên tạo thành những chữ của câu hỏi đầu tiên:
NHỮNG MÁY TỰ ĐỘNG NÀO ĐƯỢC ỨNG DỤNG TRONG ĐỜI
SỐNG HIỆN NAY?
NHỮNG BÀI TOÁN NÀO MÁY TÍNH ĐIỆN TỬ CÓ THỂ GIẢI
ĐƯỢC?
ĐIỀU KHIỂN HỌC CÓ PHẢI LÀ KHOA HỌC CỦA MỌI KHOA HỌC
KHÔNG?