Những nhà điều khiển học và những nhà sinh lý học đôi khi tranh luận
với nhau về Grô-mốp. Người nào cũng nhận giáo sư là chuyên gia của
ngành mình. Nhưng những bất đồng nhỏ mọn ấy có đáng kể gì. Grô-mốp
sẵn sàng cống hiến cho cả hai ngành khoa học; mà đúng ra thì hai ngành này
quan hệ với nhau rất chặt chẽ. Những luận văn và những bài phát biểu của
giáo sư về bộ não của người đã làm sáng tỏ một vài điều bí ẩn về tư duy của
con người. Những nhà sinh lý học và những bác sĩ tinh thần kinh có quan
tâm đến vấn đề này đã thảo luận để kiểm tra những giả thuyết của ông. Còn
những nhà điều khiển học thì thể hiện ý đồ của ông trên những sơ đồ độc
đáo của các máy điện tử.
Mọi người đều biết rằng, lúc rảnh rang Ghê-li I-va-nô-vích thường say mê
những đồ chơi tự động. Ông lắp con vẹt biết nói, cái đầu chó biết hát, con
khỉ biết làm trò ảo thuật. Một số người cho đó là những đồ chơi, nhưng
những người khác thì cho rằng những đồ chơi đó là cơ sở của những sơ đồ
lý thú nhất về phát tiếng, về những trung tâm động lực về ngôn ngữ của
những máy điều khiển tự động trong tương lai sẽ làm cho loài người sửng
sốt. Ấy thế nhưng loài người hãy còn chưa biết gì về những đồ chơi thiên tài
hãy còn giấu kín trong phòng thí nghiệm của giáo sư.
Xvét-la-vi-đốp nhớ lại cách đây mười năm. Hồi ấy anh là một kỹ sư trẻ
đến thành phố của các nhà bác học Xi-bi-ri, thành phố Xi-nhe-go-rơ-xcơ để
thực hiện một nhiệm vụ công tác thông thường. Suốt mấy ngày liền, anh cứ
mơ ước được gặp giáo sư Grô-mốp nổi tiếng. Cuối cùng anh gọi điện thoại
xin phép được gặp ông. Xvét-la-vi-đốp đi bộ từ khách sạn đến Trung tâm
tính toán. Trời mưa lâm thâm, cơn mưa buồn tẻ, trên đường phố không một
bóng người. Xvét-la-vi-đốp bỗng thấy ở gần tòa nhà của trung tâm có một
người đi đường kỳ lạ. Người đó đầu không đội mũ, áo mưa không cài cúc,
chẳng đếm xỉa gì đến trời mưa, cứ đi bách bộ xung quanh cây đèn đường và
ghi chép vội vã điều gì đó vào một mảnh giấy. Xvét-la-vi-đốp nhận ra đó là
giáo sư Grô-mốp.
Giáo sư nắm lấy tay kỹ sư trẻ và nói:
— Anh đến thật đúng lúc. Chúng ta đi thôi.