— Nhưng, thưa giáo sư, ngài bị cảm mất. - Xvét-la-vi-đốp kêu lên. - Trời
mưa mà giáo sư lại không có gì đội đầu.
— Không sao, - Grô-mốp cười dịu dàng. - Tôi đi đón anh và mải mê mãi
một suy nghĩ. Khi cái đầu nhiệt tình thì chẳng có ẩm ướt nào làm nó sợ cả.
Họ bước vào một căn phòng không lớn đặt toàn máy móc và bắt tay ngay
vào công việc. Thực ra làm thí nghiệm cũng giống như chơi một trò hấp dẫn.
Ở gian bên cạnh theo giáo sư giải thích thì có hai đối tượng. Đó là X và Y.
Một trong hai đối tượng là người giúp việc đã có tuổi của giáo sư Grô-mốp.
Người này có tên họ là Pum-pô-nốp. Đối tượng kia là một máy tính điện tử.
Giáo sư mời Xvét-la-vi-đốp ngồi vào một cái bàn có đặt sẵn hai máy điện
thoại. Trên hai máy có biển ghi “X” và “Y”. Mỗi đối tượng tham dự trò chơi
mà Xvét-la-vi-đốp chưa biết mặt, kia sẽ sử dụng máy điện thoại của mình.
Luật chơi rất đơn giản: khách có thể ra cho “X” và “Y” bất kỳ câu hỏi nào;
nửa giờ sau khách phải đoán xem trong hai đối tượng ấy ai là máy, ai là
người.
Đến nay, Xvét-la-vi-đốp vẫn còn nhớ những câu hỏi của mình, và những
câu trả lời của “X” và “Y”.
Lúc đầu anh hỏi họ bao nhiêu tuổi.
“X” trả lời qua điện báo:
— Tám trăm tuổi.
Câu trả lời của “Y” ít bịa hơn:
— Năm chục.
Tiếp đó, Xvét-la-vi-đốp liền ra hai câu hỏi thăm dò:
— Bạn biết giáo sư đã lâu chưa? Quan hệ của bạn với giáo sư thế nào?
“X” gõ trên băng điện báo:
— Ba trăm năm chục năm. Tôi kính trọng giáo sư.
“Y” trả lời khác:
— Suốt đời. Tôi ngưỡng mộ giáo sư.