thoảng, có những người khách đi làm ăn xa, biệt tăm, biệt tích vài năm,
quay trở lại và câu nói đầu tiên là “Phảnh-mìn, ca-phé, ngộ còn nợ nị bao
nhiêu, hôm nay dậu lúi - có tiền rồi, trả đủ”. Chú chỉ cười khà khà “Hảo lớ,
thầy Hai... có bao nhiêu, từ từ tính. Gia đình ngộ sống lược cũng nhờ mấy
nàm dành như thầy Hai chớ. Hồi ló, ba của ngộ từ Quảng Lông qua, bán cái
xe mì, nghèo thiệt là nghèo nhờ nàm dành sực mìn mới dậu lúi - có xìn Ùm
Cối xay - cám ơn nhiều... nhiều há”.
Vợ chồng chú thì ngày càng già đi nhưng chú vẫn đứng nấu bếp, vợ chú
bán cà phê y như ngày còn son trẻ. Đứa con gái thì phụ việc bếp núc và rửa
chén. Còn thằng con trai thì chú Quẩy đang truyền nghề lại bằng cách bắt
làm “phổ ky” [8]. Hầy à, cái quán lầy trước sau gì ló cũng làm chủ. Muốn
làm chủ “hảo lớ” thì phải biết cách phục vụ khách chớ... Chú thường nói
như vậy với người quen bằng thứ tiếng nửa Tàu nửa Việt.
Chú Hai Ngon chọn cái bàn còn lại ở trong góc. Trong quán, đa số thực
khách là người Hoa đang nói chuyện xí xô xí xào bằng tiếng Phổ thông,
Quảng Đông, tiếng Tiều, tiếng Hẹ.
Họ ăn mặc khá thoải mái. Có người thì mặc cái áo thun ba lỗ đã ngả
màu cháo lòng, lòi cả lông nách ra ngoài. Có người thì mặc cái quần tà lỏn,
vắt cái khăn lên cần cổ, ngồi gác cả chân lên ghế. Họ ăn, họ húp cà phê xì
xụp, họ nói văng nước miếng, ồn ào như thể trong tiệm nước này không có
ai. Chú Hai Ngon và thằng Minh cũng xử sự như họ. Vừa ngồi xuống ghế
đẩu, chú lớn tiếng gọi:
- Phổ ky.
- Có ngay... có ngay...
Thằng con trai chú Quẩy, vai cũng vắt khăn lông, tay bưng một mâm
nhỏ, trên đó có đựng mấy chén xíu mại, bánh bao. Anh ta đặt mấy chén xíu
mại, dĩa bánh bao xuống bàn rồi hỏi bằng cái giọng tiếng Việt lơ lớ: