có thể dễ dàng mạo hiểm trong khi người giám đốc tư nhân thực sự có trách
nhiệm không dám làm vì ông ta cũng phải chia sẻ thiệt hại. Vì vậy mà
quyền lực của giám đốc doanh nghiệp nhà nước phải bị hạn chế. Trong bất
kì trường hợp nào, dù đấy có là những quy định cứng nhắc hay quyết định
của ủy ban kiểm tra hay chấp thuận của cơ quan quản lí cấp trên thì quản lí
theo lối hành chính quan liêu cũng cồng kềnh và không có khả năng tự điều
chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh, cho nên ở đâu doanh nghiệp nhà nước
cũng mắc hết thất bại này đến thất bại khác.
Trên thực tế, hiếm khi nào doanh nghiệp nhà nước chỉ tìm kiếm mỗi lợi
nhuận và để sang một bên các mục tiêu khác. Nói chung, thường thì doanh
nghiệp nhà nước còn phải theo đuổi một số mục tiêu “quốc gia” và những
mục tiêu khác nữa. Ví dụ, người ta tin rằng nó sẽ sử dụng vật tư và sản
phẩm nội địa hơn là sản phẩm nhập khẩu. Người ta đòi ngành đường sắt
phải thiết lập hệ thống giá cả nhằm phục vụ cho chính sách thương mại của
chính phủ, và xây dựng cũng như vận hành những tuyến đường không
mang lại lợi nhuận nhưng góp phần vào việc phát triển kinh tế ở một số khu
vực nhất định, đồng thời xây dựng những tuyến đường theo những tính toán
chiến lược và những tính toán khác nữa.
Khi để cho những tác nhân như thế can thiệp vào hoạt động của doanh
nghiệp thì tất cả những biện pháp kiểm soát dựa trên tính toán giá thành và
lời lỗ sẽ không thể áp dụng được nữa. Cuối năm, khi đệ trình bản cân đối tài
chính bất lợi, ngài giám đốc tuyến đường sắt quốc doanh có quyền nói:
“Nếu theo quan điểm của doanh nghiệp tư nhân chuyên hướng vào lợi
nhuận thì dĩ nhiên là tuyến đường sắt do tôi lãnh đạo đã bị lỗ. Nhưng nếu ta
xem xét những tác nhân như chính sách kinh tế quốc gia và chính sách quốc
phòng thì không được quên rằng tuyền đường này đã làm được nhiều việc
giá trị, không thể đưa vào tính toán lời lỗ được”. Trong những hoàn cảnh
như thế, việc tính toán lời lỗ sẽ mất hết giá trị trong việc đánh giá thành tích
của doanh nghiệp. Vì vậy, ngay cả khi không có những tác nhân khác với