Chuyển từ một "khu vực kinh tế" này (theo ngôn ngữ của chủ nghĩa nhà
nước) sang một khu vực kinh tế khác là phải chịu những hậu quả nghiêm
trọng về mặt kinh tế. Ví dụ, chỉ cần nghĩ đến nền công nghiệp sợi bông của
vùng Bắc Alsatia, phải chuyển vùng đến hai lần; hay công nghiệp dệt của
Ba Lan ở vùng Silesia Thượng v.v. thì sẽ rõ. Nếu việc thay đổi trong các
liên minh chính trị của một vùng lãnh thổ mang lại lợi ích hay thiệt hại cho
những người sống trên vùng lãnh thổ đó thì quyền tự do bỏ phiếu cho quốc
gia mà họ thực sự muốn trở thành một phần của nó lại bị giới hạn một cách
nghiêm trọng. Chỉ có thể nói đến quyền tự quyết thực sự khi quyết định của
mỗi cá nhân đều xuất phát từ ý chí tự do của chính người đó chứ không
phải từ nỗi sợ bị mất hay hi vọng là sẽ được lợi. Không thể có các khu vực
"kinh tế" trong chủ nghĩa tư bản được tổ chức trên các nguyên tắc tự do. Cả
bề mặt trái đất sẽ là một khu vực kinh tế duy nhất trong thế giới như thế.
Quyền tự quyết có lợi cho những người thuộc đa số. Chính sách đối nội
phải có những biện pháp nhất định mới bảo vệ được những người thuộc các
sắc dân thiểu số. Trước hết chúng ta sẽ xem xét những biện pháp trong lĩnh
vực giáo dục.
Hiện nay, tại phần lớn các quốc gia, đi học đã trở thành nghĩa vụ bắt
buộc. Cha mẹ có trách nhiệm cho con đi học trong một số năm nhất định
hoặc dạy cho chúng những kiến thức tương tự tại nhà. Chẳng cần phải đi
sâu vào những lí do ủng hộ hay phản đối giáo dục bắt buộc khi vấn đề này
vẫn đang được bàn thảo. Chúng chẳng có liên quan gì đến những vấn đề
đang tồn tại hiện nay. Chỉ có một luận cứ là có thể có mối liên hệ nào đó,
mà cụ thể là: bám vào chính sách giáo dục bắt buộc là không phù hợp với
những cố gắng nhằm thiết lập nền hòa bình bền vững.
Chắc chắn là dân chúng London, Paris hay Berlin sẽ cho đấy là tuyên bố
không thể tin được. Giáo dục bắt buộc thì có liên quan gì đến chiến tranh và
hòa bình? Nhưng người ta không thể giải quyết được vấn đề này, như họ đã
từng làm thế với nhiều vấn đề khác, chỉ trên quan điểm của người Tây Âu.