phản đối chính sách độc tài của nước Nga không phải là vì tính chất xã hội
chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa của những chính sách đó mà vì chúng có
xu hướng đế quốc chủ nghĩa. Tất cả các biện pháp nhằm tịch thu tài sản của
những người giàu có và hạn chế quyền của những người có tài sản đều
được coi là tự do và tiến bộ cả. Các cơ quan của chính phủ nắm được quyền
lực hầu như không hạn chế, toà án không có quyền phán xét quyết định của
họ. Một vài công dân trung thực, những người dám phê phán xu hướng độc
tài, bị coi là những kẻ cực đoan, phản động, bảo hoàng về kinh tế và phát
xít. Người ta cho rằng đất nước tự do không thể dung thứ hoạt động chính
trị của những “kẻ thù xã hội” như thế.
Đáng ngạc nhiên là ở đây người ta coi những quan điểm này là hoàn
toàn của Mĩ và là sự tiếp tục của các nguyên tắc và triết lí của những người
định cư đầu tiên (Pilgrim Father) ở Mĩ vào năm 1620, của những người đặt
bút kí vào bản Tuyên ngôn độc lập, những tác giả của bản Hiến pháp và tờ
Federalist. Chỉ một ít người biết rằng những chính sách được coi là tiến bộ
này có xuất xứ từ châu Âu và trong thế kỉ XIX người đại diện tiêu biểu nhất
của trường phái này chính là Bismarck, chẳng có người Mĩ nào lại coi chính
sách của ông ta là tiến bộ và tự do hết. Chính sách Sozialpolitik của
Bismarck xuất hiện vào năm 1881, tức là hơn nửa thế kỉ trước khi bản sao
của nó là New Deal của tống thống F.D. Roosevelt được thi hành ở Mĩ.
Theo sau sự vùng dậy của Đế chế Đức, hầu hết các nước phát triển, tất cả
các nước công nghiệp châu Âu, nơi nhiều nơi ít, đều áp dụng hệ thống làm
như là mang lại lợi ích cho quần chúng bằng cách tước đoạt quyền lợi của
thiểu số những kẻ “cá nhân chủ nghĩa thâm căn cố đế”. Thế hệ những người
đến tuổi bầu cử vào giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất coi
việc dựa vào nhà nước là đương nhiên và khinh thường tự do, cho rằng đấy
là “định kiến mang tính tư sản”.
Ba mươi lăm năm trước, tôi đã từng cố gắng viết một tác phẩm ngắn,
trình bày tóm tắt những tư tưởng và nguyên tắc của môn triết lí xã hội từng
có tên là Chủ nghĩa tự do. Tôi không nghĩ rằng cuốn sách của mình có thể