ngăn chặn được những thảm hoạ mà chính sách của các nước châu Âu đang
đưa tới. Ước muốn duy nhất của tôi là tạo cơ hội cho một nhóm nhỏ những
người ưu thời mẫn thế tìm hiểu mục đích của chủ nghĩa tự do truyền thống
và những thành tựu của nó, và bằng cách đó, chuẩn bị cơ sở cho việc tái lập
tinh thần tự do sau vụ sụp đổ đang đến gần.
Ngày 28 tháng 10 năm 1951, Giáo sư J. P. Hamilius từ Luxembourg hỏi
nhà xuất bản Gustav Fischeri ở Jena (thuộc lãnh thổ Đức nhưng do quân đội
Liên Xô chiếm đóng) để mua một cuốn Chủ nghĩa tự do. Ngày 14 tháng 11
năm 1951 nhà xuất bản trả lời rằng không còn cuốn nào và nói thêm: “Theo
quyết định của chính quyền, tất cả các bản in cuốn sách này đều đã bị tiêu
huỷ”. Bức thư không nói chính quyền ở đây là nước Đức quốc xã hay nhà
nước “dân chủ” Đông Đức.
Trong những năm kể từ ngày xuất bản tác phẩm Chủ nghĩa tự do tôi đã
viết rất nhiều về những vấn đề được nói tới trong tác phẩm này. Tôi đã
nghiên cứu nhiều vấn đề mà lúc đó tôi không thể trình bày trong tác phẩm
này vì không muốn làm cho độc giả chán nản vì quá dài. Mặc khác, lúc đó
tôi đã xem xét một số vấn đề mà hôm nay thấy là không còn quan trọng
nữa. Tuy nhiên, chỉ có thể hiểu và đánh giá đúng cách xem xét nhiều vấn đề
thuộc về chính sách trong hoàn cảnh kinh tế và chính trị khi tác phẩm này
được chấp bút mà thôi.
Tôi không sửa chữa bất kì điều gì và không can thiệp vào quá trình dịch
do tiến sĩ Ralph Raico thực hiện cũng như quá trình biên tập do ông Arthur
Goddard tiến hành. Tôi xin cám ơn hai nhà khoa học này vì công sức họ đã
bỏ ra để tác phẩm có thể đến tay bạn đọc rộng rãi bằng Anh ngữ.
Ludwig von Mises, New York, tháng 4 năm 1962.