được tự do di cư cũng gây ra những hậu quả tương tự như những biểu thuế
có tính chất bảo hộ. Khu vực có cơ hội sản xuất tương đối thuận lợi hơn thì
bị bỏ phí, trong khi khu vực có điều kiện sản xuất bất lợi lại được sử dụng.
Nếu nhìn từ quan điểm toàn nhân loại thì sẽ thấy kết quả là năng suất lao
động giảm đi và số hàng hóa mà loài người có thể sở hữu cũng giảm theo.
Vì vậy, những cố gắng nhằm dùng lí do kinh tế để biện hộ cho chính
sách cản trở nhập cư chắc chắn sẽ thất bại. Không nghi ngờ gì rằng các rào
cản nhập cư sẽ làm giảm năng suất lao động trên toàn thế giới. Bằng hành
động ngăn cản nhập cư nhằm bảo vệ đặc quyền của mình, những tổ chức
công đoàn ở Mĩ hoặc ở Australia đang chiến đấu chống lại không chỉ quyền
lợi của những người công nhân các nước khác trên thế giới mà còn chống
lại quyền lợi của tất cả mọi người. Tuy nhiên, vẫn còn chưa rõ là liệu sự gia
tăng năng suất lao động do chế độ tự do di cư tạo ra có đủ sức bù đắp những
thiệt hại do những người công nhân ngoại quốc nhập cư gây ra cho các tổ
chức công đoàn Mĩ và Australia hay không.
Công nhân Mĩ và Australia đã không thể thu được thành công trong
việc áp đặt những hạn chế đối với việc di cư nếu không có luận cứ khác
chống lưng cho chính sách của họ. Dù thế nào thì ngày hôm nay một số
nguyên tắc và tư tưởng tự do cũng mạnh đến nỗi không ai có thể chống lại
được nếu người ta không đưa ra những lí lẽ được cho là cao hơn và quan
trọng hơn là mục tiêu phải đạt năng suất lao động cao nhất. Chúng ta đã
thấy người ta viện dẫn "quyền lợi quốc gia" để biện hộ cho biểu thuế có tính
chất bảo hộ như thế nào. Những lí lẽ như thế cũng được nêu ra nhằm bảo vệ
cho những hạn chế trong việc di cư.
Người ta khẳng định rằng nếu không có những rào cản đối với quá trình
di dân thì người nhập cư từ những vùng quá đông dân của châu Âu sẽ tràn
ngập Mĩ và Australia. Người nhập cư sẽ nhiều đến nỗi chẳng thể nào đồng
hóa được nữa. Trước đây, những người nhập cư vào Mĩ đã nhanh chóng
chấp nhận tiếng Anh và lối sống Mĩ một phần vì họ không đến ngay một