4. Chủ nghĩa tự do và các chính đảng
1. Tính chất "giáo điều" của những người theo
trường phái tự do.
Chủ nghĩa tự do cổ điển thường bị người ta phê bình vì quá cứng nhắc
và không sẵn sàng thỏa hiệp. Chính vì thiếu nhân nhượng như thế mà nó đã
bị thua trong cuộc chiến đấu với những đảng phái bài tư bản chủ nghĩa đủ
mọi loại mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Nếu nó, cũng như các đảng
phái khác, nhận thức được tầm quan trọng của sự thỏa hiệp và nhượng bộ
trước những khẩu hiệu được nhiều người ưa chuộng nhằm lôi kéo quần
chúng thì nó đã có thể giữ được, dù chỉ một phần, ảnh hưởng của mình.
Nhưng nó đã không bao giờ bận tâm đến việc thành lập tổ chức đảng và bộ
máy đảng như các đảng bài tư bản đã làm. Nó coi chiến thuật trong các
chiến dịch tranh cử và những kì họp quốc hội chẳng có tầm quan trọng nào.
Nó không bao giờ tham gia vào những trò cơ hội chủ nghĩa hay mặc cả
chính trị. Chủ nghĩa giáo điều không khoan nhượng như thế chắc chắn đã
dẫn đến sự thoái trào của chủ nghĩa tự do.
Những lời khẳng định như thế là hoàn toàn đúng với sự thật. Nhưng cho
rằng chủ nghĩa tự do đáng bị phê phán theo nghĩa đó là hoàn toàn không
hiểu bản chất của chủ nghĩa này. Hiểu biết một cách sâu sắc tư tưởng của
chủ nghĩa tự do là phải hiểu rằng nền tảng của sự hợp tác của xã hội loài
người và cơ cấu xã hội ổn định lâu dài không thể được xây dựng trên nền
tảng của những tư tưởng sai lầm và dối trá. Chẳng tư tưởng gì có thể thay
thế được hệ tư tưởng giúp nâng cao đời sống của con người bằng cách
khuyến khích sự hợp tác xã hội; những điều dối trá, dù được gọi là "chiến
thuật", "ngoại giao" hay "thỏa hiệp", thì lại càng không thể nào thay thế
được. Nếu con người không nhận thức được nhu cầu xã hội và tự nguyện