Ảo tưởng lớn nhất của chủ nghĩa tự do cổ điển là thái độ lạc quan về xu
hướng tiến hóa của xã hội. Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do - những
nhà xã hội học và kinh tế học thế kỉ XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX và những
người ủng hộ họ - tin rằng xã hội loài người sẽ tiến đến những giai đoạn
phát triển cao hơn và không gì có thể ngăn chặn được quá trình này. Họ tin
tưởng chắc chắn rằng việc nhận thức theo lối duy lí những quy luật nền tảng
của sự hợp tác và tương thuộc xã hội mà họ phát hiện ra sẽ nhanh chóng trở
thành nhận thức chung của mọi người, và sau đó những mối liên kết xã hội
gắn bó một cách hòa bình toàn thể loài người sẽ ngày càng trở nên bền
vững hơn, điều kiện sống của mọi người sẽ được cải thiện, và nền văn minh
sẽ bước lên khỏi những nấc thang ngày càng cao hơn về mặt văn hóa.
Không gì có thể làm lay chuyển được thái độ lạc quan đó của họ. Khi
những cuộc tấn công vào chủ nghĩa tự do ngày càng trở nên khốc liệt hơn,
khi ảnh hưởng của những tư tưởng của chủ nghĩa tự do trong nền chính trị
bị thách thức từ mọi hướng, thì họ lại nghĩ rằng đấy là loạt đạn cuối cùng
của một hệ thống hấp hối đang rút chạy, một hệ thống chẳng đáng phải
quan tâm hay phản công vì chẳng bao lâu nữa nó sẽ sụp đổ.
Người theo trường phái tự do cho rằng tất cả mọi người đều có khả
năng về mặt trí tuệ để có thể suy tư về những vấn đề hợp tác xã hộ phức tạp
và hành động một cách phù hợp. Họ vô cùng ngạc nhiên trước sự rõ ràng và
hiển nhiên của những lí lẽ đã dẫn họ đến những tư tưởng chính trị của mình,
và hoàn toàn không hiểu được tại sao mà một số người lại không nhận thức
được những chuyện như thế. Họ cũng không bao giờ hiểu được hai điều sau
đây: thứ nhất, quần chúng thiếu khả năng tư duy một cách logic; thứ hai,
trong mắt của đa số người, đấy là ngay cả khi họ nhận thức được chân lí, thì
lợi ích tức thời, dù là nhỏ nhặt, nhưng được hưởng ngay còn quan trọng hơn
là lợi ích lớn hơn và lâu dài, nhưng phải chờ đợi. Đa số người không được
phú cho trí tuệ đủ sức tư duy về những vấn đề hợp tác xã hội - những vấn
đề cực kì khó - và họ cũng không có đủ lí trí để có thể chấp nhận những hi
sinh tạm thời mà hành động xã hội đòi hỏi. Khẩu hiệu của chủ nghĩa can
thiệp và chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những đề nghị về việc tước đoạt một