Như vậy nghĩa là những đảng ủng hộ đặc quyền đặc lợi sẽ buộc phải
thận trọng. Khi nói đến mục đích của mình, họ sẽ phải dùng những ngôn từ
mơ hồ nhằm che đậy bản chất của sự việc. Những đảng theo đường lối bảo
hộ nền sản xuất trong nước là ví dụ điển hình của thói nước đôi như thế.
Bao giờ họ cũng tìm cách trình bày lợi ích của biểu thuế bảo hộ mà họ đưa
ra là lợi ích của nhóm có đông người hơn. Khi hiệp hội các nhà sản xuất
ủng hộ biểu thuế bảo hộ thì lãnh tụ các đảng thường tránh không nói rằng
lợi ích của các nhóm riêng biệt, thậm chí lợi ích của các công ty riêng lẻ,
cũng không bao giờ trùng hợp và hài hòa với nhau. Người thợ dệt bị thiệt vì
thuế nhập khẩu áp dụng cho máy và sợi chỉ ủng hộ phong trào bảo vệ sản
xuất trong nước với hi vọng rằng thuế nhập khẩu đánh trên vải vóc sẽ cao,
đủ bù lại những thiệt hại do thuế đánh vào những hàng hóa khác gây ra cho
anh ta. Người trồng cỏ đòi đánh thuế cỏ khô nhập khẩu, nhưng người chăn
nuôi thì chống lại; người trồng nho đòi đánh thuế rượu nho, điều này làm
cho người nông dân không trồng nho và người tiêu thụ ở thành phố bị thiệt.
Thế mà những người đòi đánh thuế nhằm bảo trợ nền sản xuất trong nước
lại hành động như một đảng duy nhất có chung cương lĩnh. Điều này chỉ có
thể xảy ra khi người ta dùng xảo thuật nhằm che giấu bản chất sự việc.
Cố gắng thành lập một đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi trên cơ
sở chia đều đặc quyền đặc lợi cho đa số dân chúng là việc làm vô nghĩa.
Đặc quyền đặc lợi dành cho số đông sẽ không còn là đặc quyền đặc lợi. Đất
nước mà ngành sản xuất chính là nông nghiệp, chuyên xuất khẩu sản phẩm
nông nghiệp, thì đảng của những người nông dân, đòi đặc quyền đặc lợi cho
nông dân sẽ chẳng thể tồn tại được lâu. Họ sẽ đòi hỏi gì? Biểu thuế bảo trợ
sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho nông dân vì họ phải xuất khẩu, còn trợ giá
cho đa số người sản xuất thì bất khả thi vì thiểu số sẽ không thể cung cấp
được.
Mặt khác, nhóm thiểu số đòi hỏi đặc quyền đặc lợi phải tạo ra ảo tưởng
là tuyệt đại đa số dân chúng đứng về phía họ. Khi các đảng nông dân trong
các nước công nghiệp đưa ra những đòi hỏi của mình thì bao giờ họ cũng