sản xuất tương ứng là: lao động, đất đai và vốn. Đất đai được hiểu là tất cả
những gì Tự Nhiên để cho chúng ta toàn quyền sử dụng dưới dạng vật chất
và nguồn sức mạnh ở ngay bề mặt, bên dưới và bên trên bề mặt trái đất,
trong nước, cũng như trong không khí; hàng hóa vốn (capital goods) được
hiểu là tất cả những hàng hóa trung gian được bàn tay con người làm ra từ
đất để phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo, như máy móc, thiết bị, bán
thành phẩm đủ mọi loại v.v.
Bây giờ chúng ta xem xét hai hệ thống hợp tác khi có sự phân công lao
động: một đằng dựa trên sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, và một đằng dựa
trên sở hữu công cộng tư liệu sản xuất. Hệ thống dựa trên sở hữu công cộng
tư liệu sản xuất được gọi là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, còn
hệ thống kia được gọi là chủ nghĩa tự do hay còn gọi là chủ nghĩa tư bản (từ
khi nó tạo ra trong thế kỉ XIX sự phân công lao động khắp toàn cầu).
Những người theo trường phái tự do khẳng định rằng trong xã hội dựa trên
sự phân công lao động thì sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là hệ thống hợp
tác giữa người với người hiệu quả nhất. Họ cho rằng chủ nghĩa xã hội, tức
là hệ thống thu gom vào trong lòng nó toàn bộ các tư liệu sản xuất, là hệ
thống không hiệu quả, và việc áp dụng nguyên lí xã hội chủ nghĩa lên các
phương tiện sản xuất, mặc dù không phải là việc bất khả thi, sẽ dẫn tới giảm
năng suất lao động, cho nên không những không thể làm ra nhiều của cải
hơn mà ngược lại, chắc chắn sẽ làm cho của cải ít đi.
Vì vậy mà cương lĩnh của chủ nghĩa tự do, nếu thu gọn bằng một từ, sẽ
là: sở hữu, nghĩa là sở hữu tư nhân các tư liệu sản xuất [đối với các hàng
hóa tiêu dùng, thì sở hữu tư nhân là đương nhiên, ngay cả những người
cộng sản và xã hội chủ nghĩa cũng không tranh cãi về vấn đề này]. Tất cả
những đòi hỏi khác của chủ nghĩa tự do đều xuất phát từ đòi hỏi căn bản
này.
Người ta có thể đặt bên cạnh từ "sở hữu" trong cương lĩnh của chủ
nghĩa tự do hai từ "tự do" và "hòa bình". Không phải vì cương lĩnh cũ của