sự thụt lùi ghê gớm về năng xuất lao động là trái đất chỉ có thể nuôi sống
được một phần dân cư mà thôi. Lí tưởng của phe bài dân chủ sẽ dẫn tới trật
tự kinh tế như thời Trung cổ và thời Cổ đại. Trong mỗi thành phố, mỗi làng
mạc, trên thực tế là ai cũng được vũ trang và sẵn sàng tự vệ, mỗi tỉnh đều là
những khu vực càng độc lập với thế giới trong việc tự cấp tự túc mọi thứ
hàng hóa mà họ cần thì càng tốt.
Người theo thuyết dân chủ cũng cho rằng cầm quyền phải là người giỏi
nhất. Nhưng họ tin rằng khả năng cầm quyền của một người hay một nhóm
người nên được thể hiện bằng cách thuyết phục dân chúng rằng họ có đủ
năng lực giữ vị trí đó, để đồng bào của họ tự nguyện trao quyền giải quyết
công việc xã hội cho họ chứ không phải là sử dụng vũ lực buộc người khác
chấp nhận đòi hỏi của họ. Người nào không giành được vị trí lãnh đạo vì
đuối lí hoặc không tạo được niềm tin thì không có lí do phàn nàn về việc
dân chúng đã chọn người khác chứ không chọn anh ta.
Dĩ nhiên là không được và không cần phủ nhận rằng có những hoàn
cảnh mà sức cám dỗ lôi kéo người ta xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa tự
do là rất lớn. Nếu những người có đầu óc sáng suốt thấy rằng dân tộc của họ
hay tất cả các dân tộc trên thế giới đang bước trên con đường dẫn tới tàn
phá, và nếu họ nhận ra rằng thuyết phục đồng bào chú ý đến lời khuyên của
họ là việc làm bất khả thi thì họ có thể ngả sang tư tưởng cho rằng sử dụng
bất kì biện pháp khả thi nào khác nhằm cứu mọi người khỏi thảm họa đều là
những việc làm đúng đắn và hợp lí. Lúc đó tư tưởng về nền chuyên chế của
giới tinh hoa, của chính phủ thiểu số nắm quyền bằng vũ lực nhằm cai trị và
bảo vệ quyền lợi cho tất mọi người có thể xuất hiện, và sẽ tìm được những
người ủng hộ. Nhưng bạo lực không phải là phương tiện để giải quyết
những khó khăn như thế. Chế độ chuyên chế của thiểu số không thể đứng
vững nếu nó không thuyết phục được đa số tin rằng đấy là việc làm cần
thiết hoặc ít nhất là tin rằng việc nắm quyền của họ là có lợi. Nhưng lúc đó
thiểu số sẽ có thể giữ chính quyền mà không cần vũ lực nữa.