2. Chính sách kinh tế tự do
1. Tổ chức kinh tế
Có thể phân biệt năm hệ thống tổ chức hợp tác giữa người với người
trong xã hội đặt căn bản trên sự phân công lao động: hệ thống sở hữu tư
nhân tư liệu sản xuất, mà đến một giai đoạn phát triển nào đó ta gọi là chủ
nghĩa tư bản; hệ thống sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất nhưng tài sản định kì
lại bị tịch thu để đem phân phối lại; hệ thống theo chủ nghĩa công đoàn
(syndicalism); hệ thống sở hữu tập thể tư liệu sản xuất, được gọi là chủ
nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, và cuối cùng là hệ thống của chủ
nghĩa can thiệp.
Lịch sử của quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất trùng hợp với lịch sử
phát triển của nhân loại từ tình trạng bán khai, ăn lông ở lỗ, đến những tầm
cao nhất của nền văn minh hiện đại. Những người phản đối sở hữu tư nhân
đã mất rất nhiều tâm trí để chứng minh rằng trong thời nguyên thủy thể chế
sở hữu tư nhân chưa đạt tới hình thức hoàn thiện vì một phần đất canh tác
vẫn thường xuyên được mang ra chia lại. Từ luận điểm cho rằng sở hữu tư
nhân chỉ là "phạm trù mang tính lịch sử", họ cố gắng rút ra kết luận rằng
một lúc nào đó có thể không cần đến nó nữa. Sai lầm về mặt logic trong lập
luận này rõ ràng đến nỗi chẳng cần phải thảo luận thêm. Sự hợp tác mang
tính xã hội trong thời thượng cổ có thể tồn tại được ngay cả khi chưa có hệ
thống sở hữu tư nhân hoàn bị chẳng cho ta một chút chứng cớ nào chứng tỏ
rằng ở những giai đoạn phát triển cao nhất xã hội cũng không cần sở hữu tư
nhân. Nếu lịch sử có thể chứng minh được một điều gì đó liên quan tới vấn
đề này thì đấy chính là chưa ở đâu và chưa bao giờ có một dân tộc có thể
thoát khỏi cảnh cơ cực và thiếu thốn chẳng khác gì súc vật mà lại không cần
đến sở hữu tư nhân.