Những người phản đối hệ thống quyền sở hữu tư nhân phương tiện sản
xuất thời kì đầu không tấn công thể chế sở hữu tư nhân mà chỉ tấn công sự
bất bình đẳng trong việc phân phối thu nhập mà thôi. Họ đề nghị loại bỏ sự
bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản bằng cách định kì phân phối lại toàn
bộ hàng hóa, hoặc chí ít là phân chi lại ruộng đất, tức là phân chia lại yếu tố
sản xuất duy nhất lúc đó. Trong những nước lạc hậu về mặt công nghệ, nơi
mà sản xuất nông nghiệp thô sơ giữ vai trò chủ yếu, ý tưởng về việc phân
chia một cách bình đẳng tài sản như thế vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày
nay. Người ta thường gọi đấy là chủ nghĩa xã hội nông nghiệp, mặc dù gọi
như thế là hoàn toàn không đúng vì chẳng có gì chung với chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Bolshevik ở Nga, bắt đầu là cách mạng xã hội chủ nghĩa nhưng
đã không xây dựng được chủ nghĩa xã hội trong sản xuất nông nghiệp - tức
là sở hữu tập thể đối với ruộng đất - mà là xây dựng chủ nghĩa xã hội nông
nghiệp. Trên những khu vực rộng lớn trong phần còn lại của Đông Âu, việc
chia những điền trang rộng lớn cho những trại nhỏ, gọi là cải cách ruộng
đất, là lí tưởng được nhiều đảng chính trị có ảnh hưởng ủng hộ.
Chẳng cần phải mất thì giờ thảo luận thêm về hệ thống này. Chắc chắn
năng suất lao động sẽ giảm, điều này thì khó mà phản đối được. Chỉ có
những nơi vẫn còn canh tác bằng những phương pháp cổ sơ nhất thì người
ta mới không nhận ra sự sụt giảm năng suất lao động sau khi chia ruộng. Ai
cũng biết rằng việc chia nhỏ trang trại sản xuất sữa được trang bị máy móc
hiện đại là việc làm cực kì vô lí. Còn đưa nguyên tắc chia nhỏ này vào công
nghiệp và các công ty thương mại là chuyện hoàn toàn không thể tưởng
tượng. Đường sắt, máy cán thép, nhà máy sản xuất máy công cụ là những
thứ không thể nào đem chia. Người ta chỉ có thể định kì phân chia lại tài
sản nếu trước đó người ta đã đập tan nền kinh tế đặt căn bản trên sự phân
công lao động và thị trường tự do, và trở về với nền kinh tế trang trại tự cấp
tự túc, mà dù gần nhau nhưng không trao đổi với nhau.
Tư tưởng của chủ nghĩa công đoàn chính là nỗ lực nhằm đưa lí tưởng
phân chia đồng đều tài sản vào thời công nghiệp lớn hiện đại. Chủ nghĩa