biết làm thế nào, đành cứ phải để Ngộ Lang mặc sức quấy và làm nũng ông
nội. Cụ Thượng cười và thoi không doạ vào ở trong huyện Thọ Xương, nơi
mà người con trai cả lỵ đã mấy năm nay. Thực thế, cái ý vào ở với cậu Cử
Cả, giờ là một ông quan Lệnh, ý đó chỉ là một lời doạ. Ông Lệnh Thọ
Xương đã mấy mươi lần đem cả vợ con đến nhà hẹp phố Hàng Gai để rước
cụ Thượng vào trong huyện ở cho mát hơn rộng hơn. Cụ Thượng chỉ trả lời
ông huyện Thọ Xương:
- Lần sau, anh được lúc việc quan thanh thản, có ra chơi ngoài phố này
với thầy, đừng có nên đem lính ra nhé. Ồn lắm. Chúng nó có sinh vào đời
vua Lê chúa Trịnh, thì cho thêm vào cái đam Kiêu binh Tam phủ được đấy.
Thầy rất sợ hàng phố người ta nói vào.
Mấy lần sau ra thăm cha, ông huyện Thọ Xương không dám đem mấy
tên lính trọ trẹ ra theo nữa, nhưng đả động đến việc cũ, thì chỉ thấy cụ
Thượng trả lời:
- Thầy ở đâu thì cũng thế. Miễn là được tĩnh mạc là hơn cả. Anh cũng
rõ cái tính tôi vốn sợ cái bọn lính hầu cận và lại hay tránh sự giao thiệp. Tôi
tưởng vào ở tư thất một huyện nha nó phiền nhiều lắm. Thôi anh cứ để tôi ở
ngoài này.
Ông huyện Thọ Xương biết cha mình có bụng yêu chú Cử em hơn nên
kiếm cớ ra như thế, bèn nói dỗi:
- Dạ, con tưởng hồi trước thầy còn ở chức, sự giao thiệp và đưa đón
những tạp khách cũng nhiều lắm, và nhiều không kể cho hết được, lại là
những cái gai mắt của toán lính hầu cận thầy. Một cái dinh Đốc bố đường,
thưa thầy, sai nha không phải là ít. Vậy mà con không thấy thầy phàn nàn
bao giờ cả.
Cụ Thượng hiểu ý, cười: