- Tại sao cái mặt này cậu để trắng, cái mặt khác lại có hai chấm đỏ, và
cái mặt kia cậu lại bôi đỏ hết cả đi?
Cụ Thượng đang ngồi lựa mụn lụa xanh đỏ bó thành quần áo cho quân
sáp, cười và bảo:
- Cháu đừng có nghịch thì mới chóng có đèn chơi. Mặt trắng là quan
văn. Mặt đỏ là quan võ. Những người trung thần nghĩa sĩ cũng đều mặt đỏ
cả. Người phản nịnh thì mặt trắng mốc có điểm mấy vệt đỏ nhờ nhờ.
Ngộ Lang chỉ vào lũ mặt người:
- Thế ra ông làm cho cháu một cái đèn có cả người nịnh và người
trung, quan văn và quan võ đấy à? Sao ông không cho quân đèn mặt đỏ tất
cả đi?
Ông Cử Hai gọt đầu người bằng mai cá mực, để công nhiều nhất khi
gọt đến mặt Phạm Lãi và Tây Thi. Nàng Tây Thi tất nhiên phải có khuôn
mặt đẹp. Nhưng nghĩ đến cái thú vị của một đời người như lúc Phạm Lãi
dám bỏ lại sau mình cả một cái giàu sang nhất thì mà đi chu du Ngũ Hồ,
nghĩ đến phút ấy trong cái sinh bình một người xưa, ông Cử Hai cũng làm
luôn cho Phạm Lãi một cái mặt rất đẹp, cấy vào đấy một bộ râu năm chòm
đen nhánh, Ngộ Lang cũng tỏ ý thích cái đầu Phạm Lãi và cả cái đầu nàng
Tây Thi nữa.
Đèn xẻ rãnh đã hoàn thành. Cái tán đèn xẻ rãnh to quá. Phải thắp đến
mười con bấc nơi đĩa dầu sờ, cái sức mạnh của lửa mới quay chạy được tán
đèn. Ngày đầu tháng tám, ông Cử Hai đem đèn ra thử.
Có người học trò cũ ở Sơn Tây về qua Hà Nội, biết ông Cử Hai có
con, đem đến biếu thầy học cũ một cái bánh dẻo mặt trăng, mặt bánh dẻo to
một thước, thế nào lại nhằm ngay vào giữa hôm ông Cử Hai thử đèn xẻ
rãnh. ông bày dèn ra sân, đốt hết cả mười con bấc cháy sáng. Ông bày luôn
ra sân bộ đồ trà, mời cụ Thượng ra ngồi vào cái ghế đẩu đã để sẵn trước