nhận lấy cái họa Tây Thi. Về phía bên trái cỗ đèn, khi thuyền Tây Thi vừa
lướt qua cái trục máy gạt ở rãnh phụ phía trái, thì chiếc thuyền con có Phạm
Lãi lộn ngược đi khuất vào góc đèn. Thầy nghĩ thế nào?
- Anh dàn quân thông đấy. Thành ra hết bốn quân Tây Thi, Phạm Lãi,
Phù Sai, Ngũ Tử Tư, ừ, bốn quân và... hai con thuyền. Chưa lấy gì làm
nặng quá sức quay của tán đèn. Có thể thêm một quân nữa.
- Ý thầy muốn thêm một quân Thái Tể Bá Hy nữa, thưa thầy phải thế
không? Vâng, có cái ông Thái Tể nữa vào nó cũng vui trò. Phải thêm một
cái gạt nữa cho cái ông nịnh thần vong quốc này. Lúc thuyền Tây Thi đến,
trong truyện, chính Thái Tề Bá Hy ra đón Tây Thi, và từ đấy, đã đưa Ngô
vào đường diệt vong theo đúng cái kế hoạch của Việt Vương Câu Tiễn.
Cụ Thượng và ông Cử Hai ra công làm năm quân ấy cho chiếc đèn xẻ
rãnh lấy tên là "Ngô vương cự gián nạp Tây Thi".
Công việc chẳng có gì, vậy mà cũng mất đến hơn mười hôm. Ông Cử
Hai tìm những mầu nến bạch lạp rất to cháy dở còn thừa lại trên đầu các
đèn nến thiếc Song ngân nơi bàn thờ. Và đi lục lọi thêm những mầu khác
nữa trong tủ để cho nó đủ. Mẩu nến của kỳ giỗ xa xôi sót ại, vẫn chưa mất
hết hẳn những giọt nước mắt sáp của những ngày hương đèn năm trước.
Ông Cử Hai đem đốt chảy và hợp thành được một tảng sáp lớn. Ông chuốt
quân đèn xẻ rãnh và lấy sáp này làm cốt cho quân. Cũng may mà những
mẩu sáp thừa kia đủ dùng, chứ không thì cũng hơi rầy vì cái khoản vật liệu
ày. Độ này nhà túng lắm, mọi việc mua bán đều phải lấy tiết kiệm làm đầu.
Đã hay rằng ông huyện Thọ Xương vẫn có đưa ra luôn để đỡ thêm vào việc
chi tiêu trong nhà, nhưng ông Cử Hai vẫn lấy làm phiền.
Thế là tạm xong được mấy cái cốt hình người. Bây giờ mới bắt đầu
làm đến đầu người, mặt người. Thằng Ngộ Lang ngồi cồm hỗm bên cạnh
bố, hỏi luôn miệng: