Mấy hôm sau, ông Cử Hai chạy suốt ngày như một người banạ rọn
nhiều lắm. Chốc chốc lại tha về mấy cái mai cá mực, hoặc ít mụn nhiễu đủ
cả màu tươi và bao nhiêu là giấy hàng mã cùng là que nứa và dây lạt. Ông
Cử Hai, một người tài hoa giang hồ, đến cái tuổi chán sự bay nhảy và đã
nghĩ đến chuyện vui cùng gia đình.
Người ấy đã hồi tâm lại, mong gây cái êm ấp cho gia đình vào một
ngày tết của con trẻ. Người ấy đi kiếm các vật liệu để làm cho lũ con một
cái đèn xẻ rãnh. Từ trước tới giờ cái người ấy có sao Thiên Cơ chiếu vào
hoa tay, chỉ đi làm đèn xể rãnh ở những chỗ đầu sông ngọn nguồn cho các
thứ trẻ con thiên hạ, hồ mong trả cái nợ áo cơm đối với những người bao
dung mình vào những ngày và tháng bẽ bàng.
Mấy ngày liền liền, ông Cử Hai nghĩ tìm một cái đầu đề mới lạ cho
đèn xể rãnh. Hay là lấy sự tích Tam Quốc ra làm? Không thấy hứng lắm,
bởi vì đã đến ba bốn lần ông mượn tích Tam Quốc rồi. Người ta còn nhắc
mãi đến bây giờ cái đèn xẻ rãnh của ông hồi mấy năm về trước, diễn cái
tích “Triệt giang phò A Đấu” lúc Triệu Tử Long nảy sang thuyền Tôn phu
nhân trên sông Ngô, trông cứ như thật. Cái tài làm đèn xẻ rãnh của ông
được nổi tiếng, truyền rộng ra một vùng Kinh Bắc là từ cái đèn “Triệt giang
phò A Đấu” ấy. Tác phẩm chỉ độc có motọ cái ấy, ngày nay ông Cử Hai
không còn nhớ ra được là đã vào tay ai. Hình hài ông vào hồi ấy cũng còn
là chuyện bỏ qua, huống hồ chỉ là một công trình tiểu xảo kia! Ai đi nhớ
mà làm gì!
Mấy hôm nay ông nghĩ đầu đề làm đèn xẻ rãnh cho thằng Ngộ Lang,
thực khó hơn là tìm vận thơ gieo cho một bài bát phú đắc. Chưa biết nên
diễn cái tích gì đây! Hết ngày ấy sang ngày khác, ông ngồi bóc sẵn hạt bưởi
và chẻ những hạt na ra từng hai mảnh một. Hạt bưởi xâu vào que phơi khô,
tức là những cây nến cắm vào đèn giấy cho lũ trẻ con nhà nghèo chơi đêm
ngày rằm.