Cụ Thượng nướng đỏ cái tiêm sắt vào ngọn đèn thổ hà, xiên mũi tiêm
nóng vào lòng mảnh hạt na, hút một điếu thuốc lào, thở khói pháo. Mảnh
hạt na vừa tàn thì tro thuốc nơi nõ điếu cũng vừa tụt gọn vào điếu. Gọn
ngàng và ngon lành đến thế là cùng. Cụ Thượng hỏi ông Cử Hai:
- Thế anh đã nghĩ làm đèn như thế nào chưa?
- Con định hỏi lại thầy về cái tích này xem có nên không. Là diễn một
tích trong truyện Ngô Việt Xuân Thu, lúc Phạm Lãi đem Tây Thi sang dâng
Ngô Phù Sai.
- Ừ, Phạm Lãi gặp Tây Thi giật lụa ở bến Trữ La, hồi này thú vị đấy.
Nhưng anh Cử định diễn từ đoạn nào? Phải làm những quân gì? Đừng nên
làm nhiều quân lắm. Cái sức luân chuyển của tán đèn đốt lửa chỉ có chừng
độ thôi. Nếu dùng nhiều quân quá, sức máy gạt ngang sẽ yếu đi nhiều.
- Con đã nghĩ rồi. Cái rãnh chính để hình dung một con sông chảy từ
đất Việt sang đất Ngô. Ở phía bên phải chiếc đèn, đắp một hòn núi giả hơi
cao. Ở rãnh phụ ấy đặt một cái máy gạt ăn ở hai hình quân Ngô Phù Sai và
Ngũ Tử Tư. Ở nơi góc bên trái, cũng ở một cái rãnh phụ nữa, lại một chiếc
máy gạt ăn vào một chiếc thuyền ở trên có hình Phạm Lãi ngồi. Ở cái rãnh
chính thì có chiếc thuyền lớn. Đấy là thuyền Tây Thi tiến Ngô.
- Thế anh cho các quân ấy chạy và gặp nhau như thế nào?
Ông Cử Hai dùng ngón tay trỏ vào cái đĩa dầm sứ có nước, vẽ xuống
mặt án thư mấy hình phúc họa vì trí của từng quân đèn xẻ rãnh.
- Thưa thầy, khi tán đèn quay, thì cái tuyền Tây Thi đi từ phía trái sang
phải. Khi thuyền gần tới hòn núi giả, động đến cái máy gạt có cần thép ăn
vào hai quân Ngô Phù Sai và Ngũ Tử Tư, thì hai hình này cử động. Ngô
Phù Sai sẽ ưỡn mình ra phía sau như là ngắm kỹ nàng Tây Thi ở trong cái
thuyền tiến công đang đi thấu vào bờ cõi nước ngô. Còn hình Ngũ Tử Tư
thì cử động hai tay như là ôm lấy Ngô Phù Sai, can ngăn không nên thâu