Thầy Lý run lẩy bẩy, chỉ biết mòm “dạ dạ” đưa mãi hai bàn tay chắp
lên khỏi ngực. Thầy không dám nhìn thẳng vào quan và thứ nhất là nhìn
vào ông Đề ngồi gần ngang hàng với quan; trong một lúc nhốn nháo ở đình
lúc quan mới tới làng, thầy Lý đã dám liếc trộm ông Đề khi ngài này sai
bác Cửu châm đóm để ngài hút thuốc lào vào điếu gióng của quan Phủ, có
cái xe trúc uốn cầu vồng dài đến gần bốn thước ta. Ông Đề cặp mắt sáng
như tia lửa, những lúc nheo nheo mí mắt lại, thì không khác gì mắt con vọ
lúc ở trên cành cây gạo chú mục nhìn đống thịt chết ở mặt đất. Thầy Lý tin
rằng nếu ngấc mắt lên mà đụng gặp phải nhỡn tuyến của ông Đề già thì sẽ
bị thôi miên mất; và thôi miên thuật kia sẽ bắt thầy phải tường tận cung
khai gia sản nhà mình ra xem của chìm là bao nhiêu và của nổi là bao
nhiêu, để ông Đề vui vẻ trả lời bằng ý nghĩa rằng có một ngày rất gần đây,
chúng nó sẽ phải thay đổi chủ và thầy thì cố nhiên là sẽ mất quyền sở hữu
ấy.
Nghĩ đến đấy, thầy Lý càng không dám giữ đầu mình cho thẳng thắn,
chỉ biết cúi mặt xuống đất hết nhìn đôi ủng da tây của quan Phủ, đôi guốc
kính của ông Đề và đôi bàn chân lấm của mình. Thầy Lý lúc này thực là
một hoá thân cua sự sợ hãi. Thầy chỉ biết dạ, dạ mãi, để đáp lại những lời
đanh thép mà thầy chỉ hiểu một cách mang máng. Bỗng thầy giật bắn mình
khi nghe thấy quan gắt:
- Cái anh Lý này “chướng” quá. Người ta hỏi thầy xem số rượu dân
làng uống trung bình trong những ngày thường chênh lệch với những ngày
tế lễ như xuân tế, thu tế hoặc vào đám ăn chạ là độ bao nhiêu, mà thầy cứ
dạ là nghĩa lý chi? Vô lý quá!
- Dạ bẩm ông Lớn, về việc dân làng con uống rượu, con cũng không
lấy gì cho tường lắm. Dạ, con mới được dân cho con ra thay anh Lý bất
hạnh của con được độ mấy tháng.
Câu trả lời của thầy Lý có vẻ đần độn một cách lừng khừng gần giống
như lời bướng bỉnh thốt ra ở cửa miệng những dân cứng đầu cứng cổ. Tuy