3. Những làng nhỏ có một trường dạy chữ quốc ngữ sẽ được miễn mọi
thuế đóng góp cho trường hàng tổng.
4. Những giáo viên An-nam dạy ở trường dạy chữ quốc ngữ, mà dạy
thêm một ít tiếng Pháp sẽ được nhà nước thuộc địa thưởng 200 quan mỗi
năm.
5. Tạm thời, Lý trưởng các làng ở Nam kỳ thuộc Pháp sẽ nhận mà
không phải trả tiền tờ Công báo : Gia-định báo, bằng quốc ngữ. Một bản
dịch bộ Hình Luật bằng quốc ngữ cũng sẽ được phát không cho mỗi làng.
6. Giám đốc Nội vụ phụ trách thi hành Nghị định này mà các điều
khoản sẽ phải được thực hiện trước ngày 1.1.1881.
LE MYRE DE VILERS
*
30 năm sau, chữ quốc ngữ mới được áp dụng chính thức ở Bắc kỳ,
nhưng khác một điều là vẫn duy trì chữ nho bên cạnh chữ quốc ngữ.
Trong văn thư gửi cho các Công-sứ, Thống-sứ Bắc kỳ nêu lên những
lý do đưa nhà cầm quyền đến quyết định ra lệnh dùng chữ quốc ngữ trong
các giấy tờ công văn ; dựa vào việc áp dụng có kết quả tốt ở Nam kỳ, nay
có thể đem thực hiện ở Bắc kỳ nhằm hai mục tiêu chính :
1. Làm cho dễ dàng việc giao dịch giữa người Pháp và người Việt, và
giữa người việt với người việt về mặt hành chánh.
2. Tăng cường phát triển ảnh hưởng Pháp, bằng tuyên truyền, cổ võ
thuyết phục những đường lối chính sách thực dân đề ra.
Tuy nhiên việc bắt buộc dùng chữ quốc ngữ không kèm theo việc xóa
bỏ chữ nho vì chữ quốc ngữ không đủ để diễn tả tư tưởng, khoa học và văn
hóa, nhưng nhất là vì chữ nho gắn liền người dân với đạo lý. Kinh nghiệm
ở Nam kỳ cho thấy việc bỏ chữ nho đã gây nên một sự sa sút về đạo đức
trong dân chúng.