Việc mở trường này được sự thỏa thuận của Bộ. Và Bộ chắc cũng sẽ
gửi một thông tư tương tự cho các Quan đầu tỉnh.
H. SESTIER
C. CHỮ QUỐC NGỮ TRONG CÁC BÁO CÁO CHÍNH TRỊ
Chữ quốc ngữ được các Đề đốc cai trị Nam kỳ bắt buộc sử dụng trong
hành chánh, học chánh ngay từ buổi đầu thiết lập chế độ thuộc địa bằng
những Nghị định kể trên. Chúng tôi chưa tìm ra những báo cáo chính trị
của họ liên quan đến quyết định trên, những báo cáo này chắc chắn phải có
và nằm trong văn khố « Hồ sơ Nam kỳ » ở Pháp.
Trong « La Geste Française en Indochine » của Taboulet, Tome II
chúng tôi tìm thấy một « Tường trình về tình hình đế chế trong năm 1864 »
gửi Thượng viện, trong đó có đoạn nói về việc áp dụng chữ quốc ngữ :
« …Người ta đã lập trường Thông ngôn Pháp mà những môn học chỉ
nhằm vào tiếng Việt viết bằng mẫu tự La-tinh, và người ta cũng đã thiết lập
những trường cho người bản xứ.
Việc du nhập mẫu tự La-tinh nhờ đó người ta có thể viết dễ-dàng tiếng
An-Nam sẽ có một tầm giá-trị rất lớn lao cho việc thiết lập thuộc địa của
chúng-ta. Nó có tác dụng làm cho người bản xứ khỏi phải dùng một thứ
chữ khác để viết những qui-ước hoặc diễn tả tư tưởng của họ, và thay thế
một ngôn-ngữ dễ học vào thứ tiếng chỉ có cho những việc làm của nhà cầm
quyền và đòi hỏi nhiều học-hành mà nhiều tâm trí phải ái ngại lùi bước ».
Về chữ quốc-ngữ được áp dụng ở Bắc-Kỳ, chúng tôi mới nhờ chụp
được hai bản báo cáo ở Văn khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại Paris.
1. Báo cáo chính trị tam cá nguyệt 2, năm 1910 của toàn quyền Đông-
dương gởi Tổng-trưởng thuộc địa (Sài-gòn ngày 24.8.1910) báo cáo về tình
hình trong toàn cõi Đông dương. Trong phần về Bắc-kỳ có đoạn nói đến
việc áp dụng chữ quốc-ngữ.