Khi người Pháp mới sang, nhận thấy chữ nho, nho học hiện thân của
tinh thần chống Pháp ở giới sĩ phu, nên chống nho học, chủ trương bãi bỏ
chữ nho, vì chữ nho, nho học đối với họ lúc đó là hại, xấu trong chính-sách
trực trị, đồng hóa. Nhưng về sau họ miễn cưỡng dùng lại nho học mà không
dùng chữ nho và sau cùng họ ca tụng cả nho học lẫn chữ nho trong chính
sách bảo vệ truyền thống khi họ quay sang đường lối hợp tác qua chiêu bài
Pháp Việt đề huề thời Pasquier, Albert Sarraut và Pháp Việt phục hưng
quốc-gia thời Pétain. Nho học ở đây được coi như nền tảng đạo lý bảo vệ
trật tự của chế độ bảo hộ. Lúc nho học đối với Pháp là tốt, có lợi thì lại là
xấu, hại (bảo thủ, phản động) đối với các sĩ phu chủ trương Duy Tân và các
nhóm văn hóa do những trí thức tân học đề xướng.
Chữ quốc ngữ cũng vậy. Ở thời kỳ đầu, người Pháp dùng chữ quốc
ngữ như công cụ xâm lược tinh thần, cô lập dân tộc trong ý định đồng hóa
bằng cách tiêu diệt lòng yêu nước hiện thân trong truyền thống đạo lý gắn
liền với nho học. Lúc đó chữ quốc ngữ đối với Pháp là có lợi, tốt, nhưng
đối với ta là hại, xấu. Khi các sĩ phu yêu nước đoạt lại chữ quốc ngữ trong
tay thực dân, biến nó thành công cụ khêu gợi lòng yêu nước, chống Pháp,
chữ quốc ngữ lại trở thành một phương tiện có lợi, rất tốt của ta.
Do đó, thời kỳ đầu Pháp thuộc, biên soạn văn học sử về chữ quốc ngữ,
văn quốc ngữ, phải đặt vấn đề vào trong trận tuyến tranh đấu giữa ta và
địch, xác định những chủ trương, kẻ chủ động và người thừa hành, không
thể nhập nhằng coi diễn tiến văn học như một tiếp nối của những người
cùng một chiến tuyến, một chủ trương, mục đích… Chẳng hạn xếp những
Pétrus Ký, Paulus Của, rồi đến Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Dương tạp
chí, Nam phong tạp chí vào cùng một phía.
TRẬN TUYẾN TRANH ĐẤU TRÊN BÌNH
DIỆN VĂN QUỐC NGỮ
Thực dân Pháp :
- Chữ quốc ngữ của Thừa sai
- Chữ quốc ngữ của Thực dân Pháp