quốc ngữ » được kể như một câu nói tiên tri, bất hủ, được nhắc đi nhắc lại,
bó buộc phải nhắc tới mỗi khi nói tới chữ quốc ngữ.
Trong bài biên khảo dưới đây, chúng tôi muốn nhắc lại xem những
luận điệu quen thuộc trên có đúng với sự thực lịch sử hay không và ý kiến
coi tương lai dân tộc tùy thuộc vào chữ quốc ngữ có phải là một lời nói tiên
tri bất hủ không ?
Để đánh đổ những luận điệu trên, chúng tôi không dùng lý luận suông
vì chúng tôi coi việc tìm hiểu này như một công tác nghiên cứu lịch-sử văn
học, nghĩa là một công tác khoa học mà lý luận phải dựa vào sự kiện tài
liệu lịch sử xác thực, có thể kiểm chứng được !
Vậy phải đặt việc tìm hiểu chữ quốc ngữ vào hoàn cảnh lịch sử của nó
nghĩa là lúc người Pháp mới thiết lập guồng máy cai trị của họ ở Nam kỳ.
Sự kiện chữ quốc ngữ, văn quốc ngữ xuất hiện sớm nhất và trước hết ở
Nam kỳ vào đúng thời kỳ đầu người Pháp mới thiết lập chế độ thuộc địa ở
Nam kỳ gợi cho chúng tôi một ý tưởng : có liên hệ giữa sự xuất hiện chữ
quốc ngữ, văn quốc ngữ với chính sách cai trị của thực dân Pháp. Ý tưởng
này tạm coi như một giả thuyết.
Nếu giả thuyết đúng thực, nghĩa là có một chính sách lợi dụng chữ
quốc ngữ của thực dân Pháp cho những mục tiêu chính trị, chính sách đó
chắc chắn đã được ghi lại trong các thông tư, nghị định, quyết định của các
nhà cầm quyền thời đó, còn vì những lý do nào, nhằm những mục tiêu gì, dĩ
nhiên thực dân không thể ghi trong các nghị định thông tư nhưng trong các
báo cáo chính trị mật… Nếu có, những hồ sơ hành chánh trên phải tìm ở
đâu ? Ở các công báo thời đó, ở các văn khố Đông dương, Bộ thuộc địa
bên Pháp…
Theo những chỉ dẫn giả thuyết trên, chúng tôi đã đi tìm và đã tìm thấy
hầu hết những nghị định, thông tư, quyết định về việc cưỡng-bách dùng
chữ quốc ngữ trong giấy tờ hành chánh, học chánh, trong các tập san chính
thức về hành chánh của Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ hồi đó… Chúng tôi cũng
tìm thấy một vài báo cáo chính trị, có những đoạn liên quan đến chữ quốc