ngữ của Thống đốc Nam kỳ, của Thống sứ gởi Toàn quyền, hoặc của Toàn
quyền gởi Tổng trưởng thuộc địa ở văn khố, Bộ thuộc địa cũ bên Paris.
Những tài liệu đó cho chúng ta thấy nhà cầm quyền thực dân thời đó đã
quan niệm thế nào về chữ quốc ngữ, đã muốn cưỡng bách dùng chữ quốc
ngữ trong giấy tờ hành chánh và trong nhà trường nhằm những mục tiêu
chính trị nào. Đó là những sự thực lịch sử mà mọi độc giả đều có thể kiểm
chứng khi đọc những tài liệu mà chúng tôi trích dịch nguyên văn…
Căn cứ vào chính sách lợi dụng chữ quốc ngữ trên của thực dân, độc
giả sẽ thấy tất cả những luận điệu quen thuộc kể trên là không đúng sự
thực và do đó phải nhìn những vấn đề nêu lên trong những luận điệu đó
theo một viễn tưởng khác hẳn. Chẳng hạn những Pétrus Ký, Paulus Của
không phải là những người tiền phong, chủ động, đề xướng gì cả, mà chỉ là
những tay sai viên chức ăn lương của thực dân để thực hiện một chính sách
do thực dân chủ động đề xướng ; hoặc những chống đối của trí thức đương
thời gồm các nhà nho, sĩ phu chống đối Pháp và cả những thân hào nhân sĩ
theo Pháp đã giải thích tại sao văn học chữ quốc ngữ nghèo nàn, ngưng
đọng ở Nam-kỳ thời Pétrus Ký… Và sau cùng những câu nói được coi là
bất hủ của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh trình bày một thứ chủ nghĩa
quốc gia bằng ngôn ngữ văn tự, một đường lối yêu nước, cứu nước, xây
dựng tương lai dân tộc bằng cách bảo vệ tiếng nói, phát huy chữ viết (chữ
quốc ngữ) lừa bịp ở chỗ nào và tại sao những người như Phạm Quỳnh,
Nguyễn Văn Vĩnh lại có một chủ trương như trên…
Chúng tôi mong rằng những tìm kiếm, suy luận sau đây sẽ góp một
phần vào việc duyệt xét những thiên kiến sai lầm được coi như những chân-
lý hiển nhiên, giáo điều giảng dạy trong các lớp Việt văn nhằm phục hồi sự
thực lịch sử, đồng thời làm sáng tỏ yêu cầu cấp bách cần phải nhìn lại toàn
bộ lịch sử văn học đặc biệt thời cận đại, hiện đại theo một quan-điểm dân
tộc.
SAIGON, Mùa hè 1974