I. CHỮ QUỐC NGỮ
Như ai nấy đều biết, chữ quốc ngữ do một số các nhà truyền giáo đạo
Thiên-chúa người Âu Châu sáng lập ra. Một cách tổng quát có thể nói
những tầng lớp thị dân và trí thức đương thời (nho sĩ) không sẵn sàng đón
nhận Thiên Chúa giáo, cho nên việc truyền đạo hầu hết đều hướng về
những tầng lớp nghèo khổ, cùng đinh ở nông thôn. Nhưng vì giới bình dân
này không biết chữ Nho, chữ Nôm, nên các Giáo sĩ bó buộc phải tìm ra một
thứ chữ để ghi lại và truyền bá những điều đã giảng dạy họ. Đó là một đòi
hỏi đặt ra ở Việt-nam cũng như ở Trung-quốc, Nhật-bản, nhưng hình như
chỉ ở Việt Nam việc ghi âm tiếng Việt thành chữ viết theo chữ cái La-tinh
là thành công khi chữ viết đó sau này được thông dụng và trở thành chữ
quốc ngữ.
Tuy nhiên trong hơn hai thế kỷ đầu, chữ viết ghi theo chữ cái La-tinh
chỉ dùng để in sách báo đạo, và thu hẹp trong giới theo đạo Thiên-chúa mà
thôi. Cho đến khi tìm được những tài liệu phơi bày những chủ đích nào
khác của việc sáng chế nếu có, tạm thời, có thể nêu giả thuyết các nhà
truyền giáo Âu-châu chỉ có mục đích truyền đạo khi sáng chế ra chữ «
quốc-ngữ »
và do đó thứ chữ « chỉ được một thiểu số sử dụng vào mục
đích tôn giáo » chưa có ý nghĩa chính trị hay văn hóa nào cả.
Một vài tài liệu sơ khởi mà chúng tôi sưu tầm được chứng minh chữ «
quốc ngữ » bắt đầu bị chính trị lợi dụng sau khi thực dân xâm chiếm Nam
bộ và thiết lập guồng máy cai trị. Những tài liệu hiện có chưa cho biết việc
lợi dụng chữ quốc ngữ vào những mục đích chính trị phục vụ thực dân là
do sáng kiến của các quan cai trị, học giả hay những người này thực hiện
việc lợi dụng theo những khuyến cáo của các ông cố đạo.
Ở đây, cần để ý một điều là trước khi người Pháp xâm chiếm nước ta,
các nhà truyền giáo thuộc nhiều quốc tịch Âu châu đã theo đường lối tôn
trọng thích nghi văn hóa, phong tục những nước bị truyền giáo (nhất là các
nhà truyền giáo thuộc dòng Tên). Chính trong tinh thần đó mà họ tìm cách