Ăn xong, tôi theo ông qua nhà thờ giúp ông dựng những chiếc ghế gấp
cho buổi lễ chiều. Phía bên phải lối vào ông đặt hai cái ghế trên đó ông chất
gọn những cuốn Thánh kinh và tụng ca. Một đứa bé mặc quần kaki, áo
trắng, chân đất đi vào, mục sư Koh đưa cho nó một cái chuông đóng cán
gỗ. Đứa bé chạy ra và bắt đầu rung chuông. Sau khi thắp hai ngọn nến, mục
sư Koh lên đứng sau một cái bàn dùng làm bàn thờ; một tay ông cầm
Thánh kinh, tay kia cầm thánh giá. Tôi ngồi trên ghế gần lối vào. Tín đồ lần
lượt đến.
Và thế là tôi ngồi trong ngôi nhà thờ bằng lều vải, dưới cái trần bằng gỗ
dầy trong bầu không khí ngột ngạt giữa đám tín đồ tị nạn Bắc Hàn, lắng tai
nghe những tiếng cầu nguyện rì rào cùng những lời hát say sưa của họ và
nghe bài thuyết giáo nồng nhiệt của vị mục sư. Tôi nhìn hai cây nến chập
chờn trên bài, phía sau là người mục sư đứng thẳng giờ đây cả hai tay nâng
cây thánh giá bằng gỗ; và tôi tự nhủ mình đã trải qua một đoạn đường dài,
rất dài từ Bình Nhưỡng đến đây, trong lúc những cảnh tượng và những biến
cố của quá khứ gần đây bỗng sáng lên trong ký ức tôi như hình ảnh của một
cây đèn kéo quân.
Đám tín đồ lặng lẽ cúi đầu.
Một người đến trễ vén cửa lều bước vào. Ánh nến cháy phụt lên và,
trong một giây, cây thánh giá bằng gỗ đỏ rực.
Mục sư Koh nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện… Hãy cầu nguyện cho
những người anh em chúng ta ở miền Bắc”.
Những tiếng rì rầm, lên lên xuống xuống, bắt đầu phủ lấy tôi.
Mục sư Koh đứng lên: “Lạy Cha chúng tôi”.
“Lạy Cha chúng tôi”. Đám đông vọng lại lời ông.
Cho đến bao giờ, tôi tự nhủ, cho đến bao giờ đám người này còn lắng
nghe những tiếng nói thì thầm bên tai họ, một đến từ lịch sử, một từ ngoài
lịch sử, cả hai đều hứa hẹn giải thoát và công bằng, cả hai đều nói họ dấn
mình cho những lời hứa hẹn đó? Và bỗng dưng, tôi nhớ tới cái đêm hung
bạo ở nhà thờ mục sư Shin; tôi như thấy lại dưới ánh sáng chập chờn xuyên
qua hàng lính gác và quân cảnh, đám người đàn bà già quỳ gối trên tuyết