Tuyên úy Koh có vẻ tức giận, nhưng ông chỉ lặng lẽ nói: “Vâng, Đại úy
ạ, có những nạn nhân. Tôi đã phải bỏ lại bốn người. Sau đó họ đều bị quân
Bắc Hàn bắn”.
Đại tá Chang ngắt lời: “Đủ rồi, đủ rồi, khi đó tôi không thể làm gì được
nữa. Tôi đã cố gắng hết sức”. Ông quay qua Tuyên úy Koh: “Và ông cũng
không thể làm cách nào khác đâu… Bây giờ chúng ta phải lo việc chúng ta
làm hiện tại. Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện tôi nói với nhiều vị lãnh đạo
Kitô giáo ở đây. Tôi rất tiếc phải nói rằng họ không có một ý kiến xây dựng
nào. Họ như mất hết tinh thần chiến đấu. Đó là lý do tại sao tôi nhờ ông đến
đây, Tuyên úy ạ. Họ đang cần một người như ông để giúp họ có thể đứng
thẳng người dậy”.
Tuyên úy Koh có vẻ lo lắng.
Đại tá Chang tiếp tục: “Chúng ta phải làm cho Kitô giáo ở đây hồi sinh
lại. Họ đang cần chúng ta giúp. Họ cần những sự nâng đỡ tinh thần của các
tín đồ Kitô giáo Nam Hàn và của cả quân đội nữa. Hơn hết, họ cần những
người lãnh đạo đủ khả năng để khởi xướng những hành động cương quyết.
Ông thấy đó, họ đang đau khổ vì mất những người lãnh đạo. Tôi tin chắc
buổi lễ truy điệu sẽ giúp ích họ rất nhiều. Chúng ta hãy hiểu điều này: Tất
cả chúng ta đều đang chiến đấu chống lại chính quyền Cộng sản Bắc Hàn
và trong chiến dịch chung này, có thể nói, chúng ta cần lẫn nhau, chúng ta
giúp những tín đồ Kitô giáo và những tín đồ Kitô giáo giúp chúng ta”.
Tuyên úy Koh lặng lẽ nói: “Ông thật khôn ngoan khi xướng lên ý kiến
tưởng niệm cho những người tử đạo này”.
“Những người tuẫn giáo này là một biểu trưng, một dấu hiệu lớn. Họ
tượng trưng cho những người Kitô giáo đau khổ và tượng trưng cho chiến
thắng cuối cùng của họ. Chúng ta phải làm rạng rỡ những người tử đạo.
Chúng ta phải để cho mọi người chứng kiến chiến thắng cuối cùng trên
phương diện tinh thần của họ đối với quân Bắc Hàn”.
Tuyên úy Koh hạ giọng như nói một mình:
“Những người Kitô giáo ở đây hãy còn đau cái căn bệnh do cuộc khủng
bố để lại”.