Phải, phía cầu ao trong vườn cụ Kép, một người lão bộc, đang lom
khom dúng rổ đá xuống nước ao và sàng sẩy đổ đá như kiểu người sàng
mẹt gạo. Tiếng đá bị tung lên, đập vào nhau kêu xào xạo, khiến lũ cò trắng
nghỉ chân trên lũy tre vội bay mất. Bõ già nghỉ tay, nhìn đàn cò sợ hãi bay
cao, với nét cười của một người chịu vui sống trong sự an phận.
Bõ ở với cụ Kép đã lâu lắm. Cái hồi cụ Kép còn là một thầy Khóa sinh
hai mươi tuổi, bõ già đã nếm cơm ở cửa nhà này rồi. Chính bõ vác lều
chõng cho cụ đi thi tú tài. Những việc nhớn việc nhỏ trong nhà, bõ đều nhớ
hết. Bõ nhớ cả đến ngày giỗ giúi trong họ. Không có bõ nhắc nhỏm có lẽ
nhiều lần mợ Ấm cả đã bỏ mất ngày giỗ. Bõ già hình như chỉ trải cuộc sống
của mình để hàng năm, nhắc nhỏm đến những ngày giỗ trọng và giỗ giúi
của gia đình người khác.
- Thưa mợ, đến mười sáu tháng tư này lại là ngày chính kỵ cụ ngoại...
Thưa mợ...
Mợ Ấm cả, muốn tỏ sự cảm ơn, kín đáo đãi bõ già một miếng trầu
kèm miếng cau tươi mềm. Trong cái gia đình yên lặng này, bõ già được
thiện cảm của mọi người, không phải vì ỏn thót mà chính vì lòng thẳng
thắn. Lắm lúc trông tội nghiệp lạ. Bõ tính toán, xếp đặt việc nhà chủ y như
một kẻ có quyền lợi dính dấp vào đấy. Cái hoài bão to lớn của bõ, là lúc
trăm tuổi nằm xuống sao được có một cái "áo" gỗ vàng tâm thật dày.
Ở đây, không ai nỡ nói nặng bõ. Và, đến những việc nặng, mọi người
đều tránh cho bõ già. Công việc thường trong một ngày, có nhiều hôm chỉ
thu vào việc chuyên trà tàu và thay bã điếu cho cụ Kép. Thậm chí trong
những ngày cuối năm bận rộn như hôm nay, mà bõ già cũng không phải mó
tay vào việc gì cả. Làm lợn gói giò chả, vo gạo, đồ đậu xanh làm bánh
chưng, làm đèn dầu, lau bàn thờ, nhất nhất không việc gì phải qua tay bõ.
Mãi đến quá trưa hôm ba mươi Tết, cụ Kép mới bảo bõ già đi rửa mấy trăm
hòn đá cuội trắng. Nghe thấy bõ già nhận lấy cái việc ngộ nghĩnh đó, cả