-----
(1) Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ mất bảy dòng chưa tìm ra được.
Trong hoàn cảnh đề lao, người ra sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc,
tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên
quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn
mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.
Ông Trời nhiều khi hay chơi ác, đem đầy ải những cái thuần khiết vào
giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại
phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt.
Ngục quan lấy làm nghĩ ngợi về câu nói ban chiều của thầy thơ lại.
"Có lẽ lão bát này, cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình,
chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc,
biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình. Ta muốn
biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối
cùng còn lại, nhưng chỉ sợ tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan
trên thì khó mà ở yên. Để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu".
Sớm hôm sau, lính tỉnh dẫn đến cửa ngục thất sáu tên tù mà công văn
chiều qua đã báo trước cho ngục quan biết rõ tên tuổi làng xóm và tội hình.
Sáu phạm nhân mang chung một chiếc gông dài tám thước. Cái thang dài
ấy đặt ngang trên sáu bộ vai gầy. Cái thang gỗ lim nặng, đóng khung lấy
sáu cái cổ phiến loạn, nếu đem bắc lên mỏ cân, có thể nặng đến bảy tám tạ.
Thật là một cái gông xứng đáng với tội án sáu người tù. Gỗ thân gông đã cũ
và mồ hôi cổ mồ hôi tay kẻ phải đeo đã phủ lên một nước quang như dầu
bóng loáng. Những đoạn gông đã bóng thì loáng như có người đánh lá
chuối khô. Những đoạn không bóng thì lại xỉn lại chất ghét đen sánh. Trong
khi chờ đợi cửa ngục mở rộng, Huấn Cao, đứng đầu gông, quay cổ lại bảo
với mấy bạn đồng chí: