lòng ghen của một ông hoàng tử Nước kia đã thành câu hát của người Xứ
Đoài:
"Núi cao sông hãy còn dài
Năm năm báo oán đời đời đánh ghen"
Trẻ con tỉnh Đoài, đến bây giờ vẫn còn hay hát. Vừa hát vừa nghe hát
vừa trông lên cái chỏm non Tản: trông xa như hình một cái tán đá, non kia
vòi vọi đã là cả một thế giới của bí mật, của huyền ảo.
Mỗi lần đi chủ tế lễ quốc tế xuân thu hai kỳ trong một năm ở đền thờ
thánh Tản Viên, không có quan địa phương nào là không tò mò hỏi thăm
đến cái bí mật của rừng cao cả.
Người ra truyền lại rằng đền thờ thành Tản có đủ ba ngôi. Đền Hạ và
đền Trung thì nhiều người đã leo lên tới rồi. Nhưng vượt được cái vách đá
trái núi thắt quả bồng để lên cho được trên đền Thượng, chưa từng thấy có
ai thuật lại việc đó. Hình như có một lần, đâu có ông phủ Quốc Oai nói
chuyện một cách sợ sệt về đền Thượng với quan Đốc học Sơn Tây. Ông
phủ Quốc chỉ nói mấy câu: "Đứng ở mái Nam đền Thượng mà nhìn xuống,
trông được cả khói ở kinh thành Thăng Long. Thấy rõ cả cái Chợ Giời ở
núi Sài. Có đứng ở đền Thượng nhòm thẳng xuống thì mới biết cái dải Đà
giang là có thế hiểm. Tôi có mang trộm về được ít đá cuội và một mẩu gỗ
chò. Đây Quan lớn ngài xem", thế rồi là lăn đùng ra chết. Cái viên đá cuội
mà ông phủ Quốc Oai còn nắm chắc trong bàn tay giá lạnh cứng đờ, khi
đập ra có một cái nhân nhỏ màu trắng nhờ nhờ tiết ra một mùi hương đượm
của quả men rượu ủ trấu. Cái nhân đó vụt biến đi đâu mất. Vỏ cuội đá còn
lại, đem thả vào bát nước mưa kinh niên, lấy thìa múc uống thấy say ngát
vô cùng. Mảnh đá cuội vỡ, quan Đốc Sơn Tây giữ lấy, đi đâu cũng giắt
trong mình. Thỉnh thoảng vắng người, quan Đốc lại thả nó vào bát nước
mưa, uống có nhạt hơn trước, nhưng vẫn say và thơm. Đôi mảnh cuội về
sau, vì quan Đốc phải đi theo gia quyến chạy loạn, thành ra thất lạc mất.