CÁC Ý KIẾN VỀ TÁC PHẨM
“Nếu Chúa Ruồi chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học thiếu nhi,
ắt hẳn nó sẽ vô cùng rạo rực và tươi sáng, nhưng tác giả của nó là Golding,
người đã trải qua đủ ác mộng để hiểu rằng: nơi nào con người không kiềm
chế được cái ác bản năng thì dẫu chỉ là trò chơi của trẻ nít, vườn địa đàng
sớm muộn cũng thành địa ngục.”
- The Times
Trong một cuộc chiến tranh nguyên tử, mấy chục đứa trẻ chưa
đến tuổi thiếu niên “may mắn” sống sót trên một hoang đảo sau khi
chiếc máy bay chở chúng đi sơ tán bị trúng đạn. Chúng tập họp dưới
bầu trời Nam Thái Bình Dương nắng gắt, chia sẻ gánh nặng và đặt
niềm tin vào thủ lĩnh. Nhưng rồi, cái đói và thiên nhiên khắc nghiệt
từng bước vắt kiệt bọn trẻ. Bản năng sinh tồn đã dần bóp nghẹt sự
ngây thơ – từ đây thực tại của chúng tan hòa vào ác mộng.
Một câu chuyện ngụ ngôn đau đớn và hãi hùng, ngập tràn
những tư tưởng ẩn sâu dưới hàng hàng lớp lớp ẩn dụ và biểu tượng.
Với Chúa Ruồi, một kiệt tác văn học kinh điển đầy ám ảnh, William
Golding đã khiến các nhà phê bình văn học hao tốn giấy mực chỉ để
tranh luận về một vấn đề: Có thực “nhân chi sơ tính bản thiện” hay
chăng là… ngược lại?
“Chỉ vài tuần giữa nơi hoang vắng đã đủ khiến con người quay lại
với bóng tối u mê, nơi hắn đã phải mất hàng ngàn năm để rũ bỏ. Chúa
Ruồi là câu chuyện phiêu lưu giả tưởng gần nhất với thực tại.”
- The New York Times