ràng từng chi tiết vặt vãnh, để bạn nhận ra rằng những thói quen kia cũng
có mặt thi vị và kích thích triền miên đến vậy. Đây chính là kỹ xảo của tiểu
thuyết gia, giống như khi chiên trứng gà, thi thoảng cô ấy sẽ trở mặt một
chút, để bạn thấy sự thay đổi, đồng thời được tận hưởng cả hương vị thơm
ngon mê người. Càng hiếm có trong tác phẩm này là, ngoài miêu tả sắc nét
tâm lý tình cảm của nữ chính, Tân Di Ổ còn khắc họa hình ảnh nam chính
như một phiên bản tỉ mỉ của "Nỗi đau của chàng Werther(1)". Còn bối cảnh
trưởng thành bên nhau của cả hai lại góp thêm hương vị sử thi tuổi trẻ vào
tình yêu của họ. Sau khi Chu Toán lâm vào cảnh gia đình tan vỡ, sự nghiệp
học hành bấp bênh, tình cảm mơ hồ, và từ một cậu thanh niên đột ngột bị
buộc phải trưởng thành thành một người đàn ông, anh nảy sinh ham muốn
chinh phạt, muốn làm anh hùng, muốn bảo vệ mọi người bên cạnh, nhưng
lại không có nhiệt huyết và nghị lực, không biết nên bắt tay từ đầu. Trong
trò chơi giải đố trái tim như mèo bắt chuột với Kỳ Thiện, ý nghĩ đầu tiên
của chàng trai này là tránh né. "Cậu ta ở đó chuyên tâm nghịch bật lửa,
châm rồi lại dập hết lần này đến lần khác", trong khi Kỳ Thiện liều mạng
quạt sách, hòng xua tan mùi khói hai người để lại khi nãy. Đó là lần đầu
tiên cô nàng bị tên Chu Toán hư hỏng gạ gẫm hút thuốc. "Âm thanh sột
soạt của cuốn sách khua khua cùng tiếng bật lửa lách tách không dứt bên
tai, khô khan và dai dẳng, như thể chẳng bao giờ kết thúc". Đúng lúc này,
Chu Toán bỗng hỏi:
"Cậu nói xem, sau này tôi sẽ thay đổi ra sao? Chúng ta sẽ thành thế
nào?"
Tôi rất thích chi tiết này, cảm giác hệt như xem phim của Vương Gia
Vệ. Tình yêu rất quan trọng, nhưng tình yêu trong năm tháng chúng ta
trưởng thành đôi khi lại là một mảnh lục bình trôi giạt. Trời sinh Chu Toán
có ham thích dạy hư Kỳ Thiện, còn Kỳ Thiện mặc dù tích cực chống đối
kiểu hư hỏng này, nhưng sau khi mùi khói tan đi, lại lưu luyến "hương vị
tội lỗi" kia.