nhận nó như một điều kiện để sinh tồn. Mãi sau này khi đã thay đổi, tôi mới
nhận ra được chân lý ấy.
Đến lúc đó, bóng ma ký ức trong đầu tôi mới biến mất, tất cả đều được
giải thoát, nhưng tôi vẫn chỉ ôm trong tay mảnh tâm hồn hao mòn của mình
mà chống chọi kiên trì với cái gọi là số phận. Mọi thứ đều tàn nhẫn, cả
cuộc đời cũng thật tàn nhẫn.
…
Đúng như Phương nói, chúng tôi đã dựa vào nhau trong suốt những ngày
tháng sau đó. Chỉ hai chúng tôi, tưởng như cô độc mà lại không cô độc. Bởi
vì theo lời cô ấy, cô ấy không cần đám đông vây quanh tán thưởng trở
thành bạn, cô ấy cần một người có thể chân thật với nhau. Khi cần khóc thì
giữ cho nhau đừng khóc, khi cần cứng cỏi thì cùng nhau luyện tập cứng
cỏi. Tôi phát hiện, Phương luôn cảm thấy cô đơn trong chính thế giới của
mình, vì thế cô ấy cần có tôi để lôi bản thân ra khỏi mọi sự bế tắc ấy.
Không ai hiểu cô ấy, chỉ mình tôi có thể, hoặc nói một cách khoa trương
hơn, tôi có thể nhìn sâu vào trong tâm hồn toàn sương mù từng lớp từng lớp
của cô ấy, nhận ra vô số vết thương mà cô ấy đã giấu thật kỹ trong quá trình
trưởng thành.
Sự lớn lên nào chẳng chứa đựng những nỗi khốc liệt. Có những đứa trẻ
luôn cô đơn, không phải vì chúng muốn như thế, mà bởi vì người khác bắt
chúng phải chọn cách lớn lên tàn nhẫn nhất với chính mình.
Đó là buộc phải cứng cỏi, buộc phải tự đối xử với mình tàn nhẫn và coi
mọi người xung quanh như không tồn tại.
Phương không có bố, mẹ cô ấy chỉ là công nhân làm thuê cho một xí
nghiệp sản xuất kẹo. Ở thời của chúng tôi ngày bé thì việc không có bố là
cái điều gì đấy đáng khinh ghê gớm lắm. Đối diện với những ánh mắt kỳ
thị, thậm chí là dè bỉu từ những người lớn, còn phải đối diện với những lời
trêu chọc, sỉ nhục cố ý của đám trẻ con cùng lứa.