Người ta thường nói, trẻ con rất ngây thơ, nhưng hoàn toàn không đúng.
Có một số đứa trẻ, ngay từ khi sinh ra, đã mang sẵn trong mình khả năng
làm tổn thương những đứa trẻ khác.
Sau rồi mẹ Phương cũng lấy chồng, bố dượng cô là giám đốc công ty mẹ
cô làm, ông ấy rất già, có lẽ gần bằng tuổi ông ngoại Phương khi đó.
Phương phải trải qua một tuổi thơ như thế, một tuổi thơ đầy vết tích, và
biến thành một cô gái xinh đẹp kiêu ngạo như bây giờ, nhưng lại mang theo
mình quá nhiều gai nhọn.
Bất giác, tôi thấy thương Phương, không phải bởi vì cô ấy đáng thương,
mà bởi vì cô ấy quá phi thường. Nếu là tôi, có lẽ tôi đã không làm được.
Mấy ai có thể qua những vấp váp mà biết làm lại để thành công? Cũng
mấy ai có thể qua tổn thương mà cứng cỏi?
…
Tôi đã dựa vào câu chuyện của Phương, cũng như dựa vào cá tính mạnh
mẽ đến tiêu cực của cô ấy, nỗ lực biến bản thân mình thành một bức tường
dày, không cho người khác lại gần.
Nhưng xét cho cùng, chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ. Mà những đứa
trẻ, cho dù có cố gắng trở thành người lớn nhanh đến cỡ nào, cũng vẫn là
khao khát tìm kiếm sự bấu víu, hoặc một chỗ dựa. Nếu như tôi còn có gia
đình, còn có bố mẹ yêu thương, thì Phương gần như không có. Dượng của
Phương xa cách với cô ấy, còn mẹ, vốn dĩ từ khi sinh Phương ra đã không
yêu thương đứa con ngoài ý muốn này.
Khoảng thời gian giữa tôi và cô ấy không ở bên cạnh nhau, tôi thì có thể
về nhà, còn cô ấy thì không.
- Tại sao cậu không thích đến nhà tớ, đến nhà tớ cũng được mà? - Tôi
nghi hoặc nhìn Phương, chỉ thấy cô bạn cười, lộ rõ vẻ chua xót.
- Vì sẽ không chịu nổi khi chứng kiến cảnh tượng một gia đình hạnh
phúc. Càng có cảm giác, hạnh phúc mãi mãi không thuộc về tớ.