Lụa:
- Mẹ mệt dậy muộn đã đành, con sao hôm nay cũng ngủ quên à?
Nói thế nhưng Lụa thấy mặt mẹ rạng rỡ, vui sướng. Điều mà Lụa rất ít
gặp ở mẹ. Trong lòng Lụa cũng có sự biến đổi lạ thường. Ngoài những lúc
bận làm việc đồng áng, việc nhà thì thôi chứ có lúc nào rỗi một chút là ý
nghĩ của Lụa lại quay về cái đêm rằm tháng năm ấy. Và người thanh niên
bán sáo luôn trở lại trong ý nghĩ của Lụa với một sự đê mê, dịu dàng. Lụa
mong cho chóng đến cái ngày rằm tháng sau.
Đêm rằm tháng sáu rồi cũng đến. Lụa quan sát mẹ, một hành trình
dường như đã thành thói quen ở mẹ. Vẻ mặt mẹ đầy háo hức, chờ đợi. Đã
quen đường nên Lụa không còn phải bám theo chân mẹ nữa. Đợi mẹ đi ra
khỏi nhà, Lụa dậy châm ngọn đèn hạt đỗ, lấy chiếc gương nhỏ ra soi. Chải
lại mái tóc rồi vắn lên gọn ghẽ. Lụa không quên cài chiếc lược sừng vào tóc
như để trang điểm giống các cô gái trong làng thường làm. Lấy mấy quan
tiền dành dụm trong ống bỏ vào túi áo. Lúc bấy giờ Lụa mới thong dong đi.
Lụa đi chậm trên con đường ruộng. Lúa mới cấy đang bén rễ mà đã toả mùi
thơm. Trong lòng phơi phới, Lụa thò tay khẽ vuốt mấy ngọn lúa dưới
ruộng. Được thể, các ngọn lúa cù vào chân Lụa như để trêu: Tôi biết cô rồi
đấy nhé.
Khi đến nơi chợ đã đông người. Lụa đến gốc dâu mẹ ngồi khi trước đã
thấy mẹ ngồi đấy với chiếc vỉ buồm bày hàng ra bán. Lụa đi tìm gốc dâu
của người bán sáo vẫn chưa nghe tiếng sáo cất lên. Chắc là người ta chưa
đến. Thì đi xem chợ đã. Lạ kỳ sao chợ chỉ bán có hoa quả. Rặt không thấy
một hàng cá, hàng tôm, hàng rau, hàng cám, hàng gạo, hàng mắm, hàng
muối nào cả. Đầu chợ cũng chẳng có mấy hàng lò rèn như những chợ ban
ngày. Cuối chợ chẳng thấy hàng con giống, con má nào. Thay vào đó lại
thấy hàng bán chữ. Cái hàng bán chữ này ở chợ ban ngày chỉ giáp Tết mới
có. Ồ lạ nhỉ. Điều băn khoăn của Lụa chưa giải thích được thì tiếng sáo cất
lên. Lụa mải mốt rảo chân về nơi có tiếng sáo.
- Chào cô, cô đây rồi. Tôi chỉ lo cô không đến.
Tiếng người bán sáo reo lên khi trông thấy Lụa.
- Hôm nay tôi mang tiền đi đấy. Tôi sẽ mua cho anh một cây sáo.