sinh lực thằng con trai là tôi. Tôi vùng căng dậy. Rừng trâm cổ thụ, cây
cành gầy guộc, lá lăn tăn xanh mướt. Khách sạn nhỏ mới xây vẫn im lìm,
du khách chìm sâu vào giấc ngủ sau nửa ngày mệt mỏi ngồi tàu biển từ đất
liền vượt vịnh Bái Tử Long ra đảo. Ánh đèn điện yếu ớt vàng vọt đổ quầng
lên cát trắng. Chẳng thấy giếng cổ đâu, không có tòa thiên nhiên con gái
khoả trần trong mơ, nhưng lại nghe văng vẳng giọng hát đàn bà từ xa vọng
đến; và tiếng kéo hồ buồn bã trên đường xuyên đảo.
Tiếng kéo hồ nức nở và bóng người dật dờ như say rượu đổ xuống
đường làm tôi nhận ra ông Trần. Ông Trần sống độc thân, vốn là chỗ quen
biết cánh nhà văn nhà báo, từng tiếp “thượng vàng hạ cám” từ ông tiên chỉ
làng văn làng báo đến cô sinh viên năm thứ nhất mặt non choẹt ra đảo thực
tế. Ông có một kho văn hoá dân gian, có bài viết in tạp chí Văn nghệ tỉnh
nhà. Biết các câu chuyện huyền thoại, ma quỷ, thần linh trên đảo nên ông
trở thành hướng dẫn viên du lịch tự do lúc nào không nhớ. Trước đây vốn
là thợ săn cá nhưng không hiểu vì lý do nào, ông giải nghệ lên bờ. Ban
ngày thì mò mẫm đến miếu cô thần, thổ địa, hang động, giếng cổ tìm kiếm
cái gì đó. Ban đêm, dật dờ như ma đói đi lang thang ở rừng trâm, bãi cát
thạch anh, ra đường xuyên đảo; miệng lẩm bẩm như phù thuỷ bắt quyết trừ
tà, còn tay thì kéo hồ. Ông Trần có bộ tóc dài quá vai, dị mọ, lất phất như
tóc đàn ông bộ lạc da đỏ ở Mexico. Cơn cớ gì mà ông Trần thức đêm như
con vạc? Chịu. Ông Trần kéo hồ vào loại hay. Tiếng hồ nức nở cất lên:
Ta nghĩ đến thói bạc tình
Ta ngẫm về nòi giăng hoa
đàn bà học nhau
rất lạ
Mây ơ hờ chiều đông
Gió ơ hờ tháng hạ
Phù dung sớm nở tối tàn
Nín lòng nhặt cuống hoa rơi
Cơn mưa mây bóng thoảng qua
Tim ta tật nguyền, chai cứng
Không có đàn bà thì ta khốn khổ,