có rồi còn khốn nạn hơn...
Ông Trần nhận ra tôi, đóng vĩ kéo lại. Ông mặc áo diềm bâu, thêu
loằng nhoằng hoạ tiết dây lá thổ cẩm. Mặt hồ bưng da kỳ đà, chỗ tay cầm
cần và vĩ kéo ngấm mồ hôi lên dấu thời gian, bóng mịn. Ông Trần bảo:
- Tiếng hồ của ta ma mị không? Chú chơi một bài nhá.
Tôi không thạo đàn hát lắm. Hồi đi viết chân dung bà Mầu - nghệ
nhân xẩm chợ cuối cùng của tỉnh N, bà có dạy tôi điệu Phồn huê; tôi ghép
lời, chơi cũng tàm tạm. Tôi cầm lấy hồ, so dây dạo:
Tôi lại nghĩ về cánh đồng liêu trai đàn bà.
ươm hoa cho người ta hái
Tôi nghĩ đến bàn chân con gái
đạp trên ruộng chiêm khô mùa hạ
ngâm vào vụng biển lạnh mùa đông
quấn quýt rong rêu, cuống dạ.
váng phèn vàng nhệch móng non
Bàn chân bước qua thời con gái
Xất xước,
thô ráp,
chai sần
Mùa thu liêu trai đàn bà
Đi ngang vết chân chim
Lửa lòng thôi reo đã tắt
thừa đống gốc tre khô, đống rơm đống dạ
không đốt nổi cái chăn nhàu mùa bão giông.
Ông Trần gật gù.
- Tiếng hồ của chú buồn, nhưng là cái buồn sang trọng, lại có ý thương
hại đàn bà. Chú tốt lắm. Sau này, chuốc khổ vào thân. Tiếng hồ của ta nỉ
non, oán thán, nức nở. Đàn bà nghe, động lòng hơn. Đêm nay, bao nhiêu
đứa không ngủ. Có đứa nằm bên chồng cũng cồn cào ruột gan, dỏng tai
nghe tiếng hồ của ta chỉ chực chạy ra, chứ lị.
Hoang tưởng. Tôi trề môi, trả cái hồ cho ông Trần. Hay gì cái thói
chinh phục đàn bà. Tôi bảo.