lần dám trở lại làng Thượng. Vì sao thì ông biết rồi. Tuy vậy, tôi biết hết
mọi chuyện xảy ra ở làng. Tôi hỏi thật nhé, ông có mê tín không?
- Không. – Tôi đáp.
- Ông có tin vào báo ân, báo oán không?
- Tôi không tin. Sao ông hỏi vậy? Ông tin à?
Ông M. trầm ngâm một chốc rồi nói, vẻ bần thần:
- Cả có mà cả không. Nhưng tôi cứ thấy nó thế nào ấy, nhất là thời
gian gần đây. Có lẽ tôi già rồi đâm lẩn thẩn. Nói ông đừng cười, đêm nào
nằm ngủ tôi cũng nghe tiếng gõ chiếc gậy trúc của thằng bé kia và tiếng
kêu yếu ớt: Ai đó trả lại gậy cho tôi, đừng đùa. Tình hình có vẻ như ngày
càng tồi tệ. Tôi chẳng biết phải tính sao đây. Ông khuyên tôi làm gì bây
giờ?
Tôi ngồi im vì chẳng biết trả lời thế nào.
- Hay ông đi khám bác sĩ tâm thần. - Cuối cùng tôi lên tiếng. - Thời
này khối người căng thẳng như ông. Tôi cũng chẳng hơn gì. Còn chuyện
thằng bé thì chỉ do ông hay nghĩ đến nó mà tưởng tượng ra thôi. - Tôi an ủi,
mặc dù tự biết ở đây có cái gì đó nghiêm trọng và đáng sợ hơn nhiều.
Mấy hôm sau, trước lời năn nỉ của ông M., và cũng vì tò mò, tôi nhận
lời cùng đi với ông về làng Thượng, Làng Ăn Mày. Ông M. thắp hương,
lầm rầm khấn vái hồi lâu trước bàn thờ thành hoàng làng mình. Trước đấy
tôi cũng thắp một nén, gọi là tưởng nhớ vong linh thằng bé xấu số. Tôi tế
nhị bỏ ra ngoài để ông được tự nhiên sám hối, hi vọng sẽ thanh thản hơn
đôi chút. Bằng đức tính nhân từ vốn có và những việc làm từ thiện xưa nay,
ông xứng đáng được hưởng một tuổi già thanh thản.
Tối hôm ấy chúng tôi ngủ lại nhà một người bà con xa của ông M.
Nhà ngói hẳn hoi, có tivi, có đài, anh con trai chủ nhà còn có cả xe máy, xe
Nhật chứ chẳng phải Tàu. Từ lâu dân làng Thượng không còn xách bị đi ăn
xin, nhưng người ta vẫn thành kính thờ cúng ông tổ ăn mày của làng. Ngôi
mộ của ông đã phát càng phát thêm, nay gần giống một cái gò nhỏ, trẻ con
không dám cho trâu bò dẫm lên. Nửa đêm, tôi đang ngủ say sau một ngày
đi đường vất vả thì bị ông M. túm tay áo giật mạnh. Ông hoảng hốt thì
thầm: