- Thưa bà quận chúa kính mến! Cháu trân trọng xin phép bà cho được
bày tỏ lời từ chối của cháu. Cần phải có một Landseer để đem lại công lý
cho Tomy. Vả lại xin bà cũng nên công nhận với cháu rằng đối với một
thanh niên con nhà gia giáo như cháu mà lại để hàng giờ để đánh bạn với
Tomy thì thật là một sự phá hoại luân thường đạo lý. Cháu xin trình bày với
bà rằng công việc của cháu sẽ là… Cháu sẽ vẽ bà, vẽ bà quận chúa thân
mến, cùng với cái mũ này bằng bất cứ giá nào. Từ thời cháu còn thơ ấu, cứ
trông thấy cái mũ trắng bằng rơm buộc xuống cằm với những sợi dây
cương đen là cháu đã phát ốm lên. Nếu cháu nghe theo bản tính tự nhiên thì
cháu đã đi vùi mặt vào đầu gối chị Jên, và cháu vừa hú vừa đá hất chân lên
cho đến khi nào bà nhấc cháu ra. Cháu sẽ vẽ bà với áo dài đen mà bà mặc
tối qua, với cái cổ Medicis với dây đăng ten và những hạt kim cương trong
bộ tóc. Tay bà cầm một cái gương bằng bạc…
Trong khi tả bức tranh với một giọng nói như tiếng nhạc, chàng nghệ sĩ
lim dim đôi mắt và tất cả mọi người đều lắng nghe. Khi Đan phác họa bức
tranh của mình bằng lời nói, người ta nhìn thấy. Và năm sau, khi bước vào
Viện Hàn Lâm người ta nhận ra bức tranh đó.
“… Bàn tay trái bà cầm một cái gương, nhưng bà lại không nhìn vào đó
vì, thưa bà quận chúa thân mến, không bao giờ bà soi gương, ngay cả khi
bà đội cái mũ này, bà buộc những dải băng này (chị Jên, xin chị hãy nắm
lấy tay tôi), không bao giờ bà cần đến gương cả. Bà cầm nó trong bàn tay
trái, khuỷu tay tỳ lên cái bàn gỗ mun khảm xà cừ… Trong cái gương, cháu
sẽ vẽ ánh lên con vẹt của bà một cách tỷ mỷ hoàn toàn trong tất cả mọi chi
tiết. Chúng ta sẽ đặt tên cho bức tranh đó là Trầm Ngâm, bởi vì bao giờ
cũng phải cho một cái nhãn vớ vẩn vào bức tranh, nhưng nếu bức tranh sẽ
đi vào hậu thế, như một tác phẩm nghệ thuật danh tiếng có tên trong danh
sách của Viện bảo tàng, dưới tiêu đề: “Bà quận chúa, cái gương và con
vẹt”.