Tôi duỗi người, hưởng thụ niềm hạnh phúc khi biết mình không cần
phải dậy ngay bây giờ. Thời gian đầu mang thai khiến tôi mệt mỏi, sự căng
thẳng của chuyến đi càng làm tăng thêm cảm giác mệ t nhọc, vì vậy một
đợt nghỉ ngơi lâu dài càng được chào đón gấp đôi.
Trời đã mưa và đổ tuyết liên tục suốt hành trình khi những cơn bão
mùa đông ập vào bờ biển nước Pháp. Nhưng nó có thể còn tồi tệ hơn. Dự
định ban đầu của chúng tôi là đi tới Rome chứ không phải Le Havre.
Chuyến đi đó sẽ mất khoảng ba đến bốn tuần lễ di chuyển trong thời tiết thế
này.
Đối mặt với viễn cảnh sống ở nước ngoài, Jamie đã nhận lời đề nghị
làm người thông dịch cho James Francis Edward Stuart, vị vua bị lưu đày
của Scotland - hay chỉ là Hiệp sĩ St. George, Kẻ Đòi Vị muốn thừa kế ngai
vàng, tùy thuộc vào lòng trung thành của bạn - và chúng tôi đã quyết tâm
gia nhập vương triều của Kẻ Đòi Vị này ở gần Rome.
Quyết định đó chỉ mới gần đây thôi; chúng tôi đã định điểm đến là Ý,
khi ông bác Alexander của Jamie, Cha tu viện trưởng của tu viện Ste.
Anne, cho gọi chúng tôi tới phòng làm việc của ông.
“Ta có tin tức về Bệ hạ,” ông thông báo mà không cần mào đầu.
“Vị nào cơ?” Jamie hỏi. Diện mạo hơi giống nhau giữa hai người đàn
ông càng được tôn lên bởi dáng điệu của họ - cả hai đều có dáng ngồi thẳng
tắp trên ghế, hai vai bành ra. Về phần Cha tu viện trưởng, dáng vẻ đó là do
sự tu hành khổ hạnh tự nhiên; còn Jamie là miễn cưỡng vì để cho các vết
sẹo mới lành trên lưng không chạm vào lưng ghế gỗ.
“Bệ hạ, Đức vua James,” bác anh đáp, hơi cau có với tôi. Tôi đã cẩn
thận giữ cho vẻ mặt mình không biểu lộ gì; sự hiện diện của tôi trong
phòng làm việc của Cha tu viện trưởng Alexander là một bằng chứng của
sự tin tưởng, và tôi không muốn làm bất cứ điều gì để hủy hoại nó. Ông ấy
mới biết tôi chỉ vỏn vẹn có sáu tuần, từ sau lễ Giáng sinh, khi tôi xuất hiện
trước cổng tu viện cùng với Jamie gần như sắp chết vì bị tra tấn và giam
cầm. Sự hiểu biết sơ sài tiếp theo đoán chừng đã khiến Cha tu viện trưởng