dường như chẳng bao giờ chạm tới xương. Ôm các bé vào lòng, chúng như
tan chảy theo, bất cứ lúc nào cũng có thể hòa lại làm một vào cơ thể bạn.
Nhưng ngay từ ban đầu, mỗi đứa trẻ đều có nét cứng rắn. Đấy chính là
thứ mà người ta nói là “cái tôi”, nó định hình nên cá tính của mỗi đứa trẻ.
Năm thứ hai, xương cốt cứng cáp hơn và đứa trẻ bắt đầu đứng thẳng
được, xương sọ lớn lên và cứng lại - trở thành một chiếc mũ bảo hiểm bảo
vệ cho thứ mềm mại bên trong. Và “cái tôi” cũng phát triển. Nhìn vào
chúng, bạn gần như có thể thấy rõ điều đó, khỏe khoắn như gỗ lõi, phát
sáng xuyên qua tầng da thịt trong suốt.
Đường nét khuôn mặt hiện rõ khi lên sáu, và tính cách định hình tầm
bảy tuổi. Quá trình đó cứ thế tiếp tục, đạt tới đỉnh điểm là thời kỳ rực rỡ
của tuổi thanh xuân, khi tất cả sự mềm mại được che lấp đi dưới những lớp
xà cừ lóng lánh của rất nhiều cá tính mới mà các cô cậu thiếu niên cố gắng
bảo vệ đến cùng.
Những năm kế tiếp, sự cứng cỏi dần lan tỏa, khi một đứa trẻ tìm thấy,
định hình các khía cạnh tâm hồn nó, cho tới khi “cái tôi” được cố định, tinh
tế và chi tiết như chú côn trùng trong lớp kết tinh của hổ phách.
Tôi cho rằng mình đã cách xa giai đoạn đó rồi, đã mất đi tất cả dấu vết
của sự mềm yếu và vững vàng tiến vào tuổi trung niên cứng rắn như thép
không gỉ. Nhưng giờ đây, tôi nghĩ cái chết của Frank đã gây ra những vết
rạn nứt trong tôi. Và tất cả những rạn nứt đó ngày càng rộng thêm, đến mức
tôi không thể phủ nhận sự tồn tại của chúng được nữa. Tôi mang con gái
trở lại Scotland, con bé có căn cốt mạnh mẽ như những người đàn bà vùng
cao nguyên khác, và hy vọng rằng vỏ bọc của nó cũng đủ mạnh để giúp nó
đương đầu khi “cái tôi” bên trong con bé có thể vẫn chưa đạt tới độ chín.
Nhưng cốt lõi bên trong tôi không còn là “cái tôi” cô lập nữa, tôi
không có gì để che chở cho bản thân trước sự mềm yếu đến từ nơi sâu thẳm
bên trong. Tôi không còn biết mình là thế nào hay con bé sẽ ra sao; tôi chỉ
biết điều mình phải làm.